Vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội- Hải Phòng: Lỗi thuộc về ai?

Theo luật sư, trong vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội- Hải Phòng cả lái xe bán tải và lái xe VF9 đều có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Tối 14/7, đại diện Công an tỉnh Hải Dương cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lộc (Hải Dương) đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” liên quan vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng khiến 2 tài xế tử vong, 11 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Trước đó, khoảng 9h ngày 11/7, tại Km49 + 400 trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, chiều Hà Nội đi Hải Phòng, thuộc địa phận thị trấn Gia Lộc (huyện Gia Lộc) xảy ra vụ tai nạn giữa 3 xe ô tô đi cùng chiều. Vụ tai nạn làm anh T.T.A anh Q.V.L thiệt mạng tại hiện trường, 11 người khác bị thương được đưa đi cấp cứu, 3 xe ô tô hư hỏng nặng. 

Nguyên nhân ban đầu của vụ va chạm, cơ quan công an xác định, xe ô tô BKS 15F – 006.78 do anh Q.V.L cầm lái va chạm vào phía sau, cùng chiều với xe ô tô BKS 38C – 195.83 do anh Đặng Quốc Hoàng lái, phanh gấp.

Sau va chạm, 2 xe ô tô dừng xe trên làn đường số 1. Anh Đặng Quốc Hoàng và anh T.T.A sau đó xuống xe tranh cãi với anh Q.V.L tại khu vực đầu ô tô BKS 15F – 006.78 thì bị ô tô BKS 30K – 757.00 do Trần Ngọc Thế cầm lái, đi cùng chiều và đâm vào phía sau ô tô BKS 15F – 006.78, đẩy ô tô BKS 15F – 006.78 đâm vào anh T.T.A và anh Q.V.L. Hai người này tử vong.

vu tai nan tren cao toc ha noi- hai phong loi thuoc ve ai hinh anh 1
Hiện trường vụ va chạm giao thông trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng

Nhiều người đặt câu hỏi, trong trường hợp xảy ra va chạm trên cao tốc, lái xe cần làm gì để xử lý tình huống đúng pháp luật. Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV VOV.VN, luật sư Nguyễn Văn Toán, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH HTM – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích, trong vụ việc này, cần làm rõ hành vi dừng đỗ xe của 2 tài xế trên làn cao tốc và hành vi thiếu chú ý quan sát của người điều khiển xe 7 chỗ. 

Đối với hành vi dừng đỗ xe trên đường cao tốc của xe khách 16 chỗ và xe bán tải, khi có va chạm, cơ quan chức năng cần phải xem xét việc dừng đỗ của hai xe đã đúng quy định chưa? đúng làn đường, phần đường quy định chưa? sự việc va chạm có dẫn đến hậu quả hai xe phải dừng khẩn cấp và không thể di chuyển hay không? có tín hiệu cảnh báo không? Trường hợp xe khách 16 chỗ và xe bán tải nếu chỉ là va chạm nhẹ, nhưng tài xế của 02 xe có hành vi dừng tại làn ngoài cùng bên trái đường cao tốc (làn cho phép xe chạy tốc độ 120 km/h) (theo như camera ghi lại được), mà không có tín hiệu cảnh báo để các phương tiện tham gia giao thông khác biết, mà gây ra tai nạn giao thông thì người điều khiển phương tiện dừng, đỗ xe vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự, đồng thời phải bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại cho nạn nhân theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự. 

Đối với tài xế xe ô tô 7 chỗ đâm trực diện phía sau xe khách 16 chỗ đang đừng đỗ, trong trường hợp này, tài xế xe 7 chỗ cũng có thể có dấu hiệu của hành vi thiếu chú ý quan sát khi tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 12 Luật giao thông đường bộ 2008, Điều 11 Thông tư số 31 2019/TT-BGTVT. Trường hợp Cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra và có đủ căn cứ xác định lỗi là do tài xế xe ô tô 7 chỗ thì tài xế xe ô tô 7 chỗ có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự, đồng thời phải bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại thực tế xảy ra theo Điều 584 Bộ luật dân sự.

Trường hợp bắt buộc phải dừng xe trên cao tốc, theo luật sư Toán, người điều khiển phương tiện giao thông phải chấp hành đầy đủ, nghiêm chỉnh các quy định như phải có đèn tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải chiều đi của mình; phải chèn bánh trên đoạn đường dốc hay nếu đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở trước và sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết… (quy định tại Điều 18 Luật giao thông đường bộ 2008).

Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 26, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định. Trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết”.

Đối chiếu vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, những thông tin được các phương tiện thông tin đại chúng và công an cung cấp cho thấy, vụ va chạm là va chạm nhẹ, chưa đến mức xe 16 chỗ và xe bán tải phải dừng khẩn cấp trên làn đường cho phép các phương tiên lưu thông với tốc độ tối đa 120km/h. Nhưng cả hai phương tiện vẫn dừng và cũng không đặt vật cảnh báo trên đường để các phương tiện khác biết. Đây là hành vi vi phạm an toàn giao thông đường bộ, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm 2 người tử vong.

vu tai nan tren cao toc ha noi- hai phong loi thuoc ve ai hinh anh 2

Theo luật sư Toán, theo quy định của pháp luật thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải làm chủ tốc độ, chú ý quan sát và giữ khoảng cách với xe phía trước, chủ động giảm tốc độ đến mức thấp nhất nếu gặp chướng ngại vật phía trước hoặc có thể dừng lại….

Tuy nhiên, theo như dữ liệu trên Camera ghi lại đã cho thấy, tài xế xe VF9 dường như đã thiếu chú ý quan sát, không làm chủ được tốc độ dẫn đến việc xử lý tình huống nhằm tránh va chạm là không tốt, hậu quả là xe VF9 đã đâm rất mạnh vào phía sau của xe khách 16 chỗ đang dừng, hậu quả làm 2 người chết và 10 người bị thương. Trong trường hợp Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định tài xế xe VF9 có lỗi, thì người này có thể bị xử lý hình sự theo khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Khung hình phạt áp dụng là từ 3-10 năm tù. Ngoài hình phạt tù thì người vi phạm trong vụ tai nạn này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra với các nạn nhân và gia đình nạn nhân theo quy định pháp luật.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, khi có xảy ra va chạm hoặc tai nạn, luật sư Toán phân tích, việc đầu tiên các tài xế cần bật đèn cảnh báo, đặt biển cảnh báo hoặc các vật dụng dễ nhìn để cảnh báo ở khoảng cách phù hợp với hiện trường tai nạn. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý, tất cả mọi người nên rời khỏi xe, di chuyển ra phía sau lan can đường hoặc khu vực an toàn càng xa làn đường xe chạy càng tốt để tránh. 

Nguồn: Vov.vn