Mặc dù cuộc xung đột đã diễn tiến theo chiều hướng mới, nhưng có một khía cạnh không thay đổi, đó là cả Nga và Ukraine đều phụ thuộc nhiều vào pháo binh.
Vai trò của pháo binh
Hơn 29 tháng kể từ khi xung đột nổ ra, cả Nga và Ukraine đã áp dụng những chiến lược mới, đồng thời triển khai công nghệ tiên tiến để giành được lợi thế quyết định. Mặc dù cuộc xung đột đã diễn tiến theo chiều hướng mới, nhưng có một khía cạnh không thay đổi, đó là cả Nga và Ukraine đều phụ thuộc nhiều vào pháo binh. Phần lớn thiệt hại mà 2 bên gánh chịu đều do các cuộc tấn công bằng hệ thống pháo binh, vốn được coi là “vua chiến trường”.
Ước tính, Nga bắn khoảng 10.000 viên đạn mỗi ngày, còn Ukraine bắn khoảng 2.000 viên mỗi ngày. Theo giới phân tích, sự phụ thuộc vào pháo binh sẽ tiếp tục kéo dài, ngay cả khi hai bên phát triển những chiến thuật mới và tích hợp công nghệ tiên tiến để tăng cường hỏa lực.
Cả Nga và Ukraine đều tuân thủ học thuyết Liên Xô, chủ yếu sử dụng pháo hạng nặng. Họ tập trung bố trí các hệ thống pháo binh ở những vị trí quan trọng, cho phép nhắm mục tiêu vào đối phương. Việc triển khai pháo binh hợp lý đã giúp Ukraine ngăn chặn cuộc tấn công ban đầu của Nga và giúp Nga ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine.
Khi xung đột leo thang, các lực lượng Ukraine đã bố trí pháo binh bên trong và xung quanh những công trình phòng thủ của họ ở các vùng Lugansk, Donetsk và Kharkov. Họ có kế hoạch giữ vị trí phòng thủ này trong ít nhất 6 tháng tới, đồng thời gia cố bằng các vành đai chướng ngại vật và sử dụng pháo binh để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng phương tiện cơ giới của Nga. Kết quả là Nga buộc phải tiến hành các cuộc tấn công theo từng đơn vị nhỏ để cố gắng đánh chiếm các vị trí phòng thủ này.
Trong khi đó, lực lượng Nga sử dụng các trận địa pháo lớn nhằm phá hủy vị trí phòng thủ của Ukraine. Với chiến thuật này, Nga đang cố gắng nhắm mục tiêu và phá hủy các ụ pháo binh của Ukraine. Ngoài ra, Moscow cũng sử dụng pháo binh để yểm trợ các cuộc tấn công, buộc binh sỹ Ukraine phải ẩn nấp và làm giảm khả năng bảo vệ cứ điểm của họ.
Cả Nga và Ukraine đều có những loại pháo binh từ cổ điển đến hiện đại. Ukraine đã sử dụng kết hợp các hệ thống pháo cũ có từ thời Liên Xô, chẳng hạn như 2S3 Akatsiya và những hệ thống pháo mới hơn do NATO cung cấp, bao gồm M109 Paladin của Mỹ, S-90 của Anh và CAESAR của Pháp. Ngoài ra, Kiev cũng đang sản xuất pháo tự hành 2S22 Bohdana. Chương trình này được tài trợ một phần thông qua viện trợ nước ngoài.
Thách thức đối với Ukraine là các hệ thống pháo do NATO cung cấp sử dụng các loại đạn dược có kích cỡ khác nhau, dẫn đến việc Ukraine phải phụ thuộc vào đạn dược do NATO cung cấp. Các gói viện trợ gần đây nhất của Anh và Mỹ dành cho Ukraine bao gồm một số lượng lớn đạn, ngoài ra còn có thêm các hệ thống pháo AS-90 và M109 Paladins.
Về phần mình, Nga có số lượng pháo binh nhiều hơn bất cứ quân đội nào trên thế giới, thậm chí nhiều gấp 3 lần lượng pháo binh của quân đội Mỹ.
Nga sử dụng kết hợp giữa pháo tự hành thời Liên Xô như MS19 Msta-S và các hệ thống mới hơn như 2S33 Msta-SM2. Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga có mạng lưới cung ứng mạnh mẽ để sản xuất đạn pháo, với công suất sản xuất 250.000 quả đạn pháo mỗi tháng, có thể bắt kịp nhu cầu sử dụng của quân đội.
Cả Nga và Ukraine đã kết hợp pháo binh với nhiều trang thiết bị hiện đại để bắt kịp sự thay đổi của chiến trường. Chẳng hạn, việc sử dụng rộng rãi các thiết bị tác chiến điện tử đã củng cố vai trò của pháo binh trong hoạt động tác chiến.
Miễn nhiễm với phương pháp tác chiến điện tử
Trong suốt cuộc chiến, Nga và Ukraine đã trang bị một số lượng lớn các hệ thống mới như UAV lảng vảng hoặc tên lửa chính xác cao. Tuy vậy, trong vòng vài tuần các loại vũ khí này đã trở nên kém hiệu quả khi hai bên phát hiện ra lỗ hổng mới của nhau và đánh chặn bằng phương pháp tác chiến điện tử. Tác chiến điện tử liên quan đến việc gây nhiễu hoặc giả mạo hệ thống GPS của vũ khí, khiến chúng bay chệch hướng. Biện pháp tác chiến điện tử này cũng được sử dụng để chống lại máy bay không người lái hay bom dẫn đường có đường kính nhỏ phóng từ mặt đất.
Trái lại, các loại đạn pháo không có thiết bị dẫn đường bên trong rất khó để gây nhiễu. Điều này khiến chúng trở thành vũ khí đang tin cậy để tiêu diệt các mục tiêu của đối phương. Khi tác chiến điện tử ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến, Nga và Ukraine có thể sẽ quay trở lại sử dụng các hệ thống pháo truyền thống nhiều hơn.
Tướng Phần Lan Esa Pulkkinen cho rằng: “Các hệ thống pháo không có dẫn đường miễn nhiễm với bất cứ phương pháp gây nhiễu nào và chúng sẽ tấn công bất cứ mục tiêu nào cho dù đối phương có sử dụng biện pháp tác chiến điện tử hay không”.
Hiện cả Nga và Ukraine đang sử dụng pháo binh kết hợp với máy bay không người lái trên chiến trường. Máy bay không người lái được dùng để phát hiện mục tiêu pháo binh của đối phương, theo dõi cuộc tấn công, điều chỉnh mục tiêu sau đó đánh giá thiệt hại trong trận chiến. Chiến thuật này cho phép các bên gia tăng phạm vi tấn công mục tiêu, đồng thời không cần cử binh sỹ đứng ra phía ngoài quan sát. Các máy bay không người lái ngày càng hoạt động tự chủ hơn và quy trình tấn công bằng pháo binh đã trở nên nhanh gọn, hiệu quả hơn.
Pháo binh có bề dày lịch sử từ thời Liên Xô và điều này khiến nó được đưa vào học thuyết chiến đấu hiện đại của cả Nga lẫn Ukraine. Khi xung đột chuyển sang giai đoạn mới, kết hợp giữa công nghệ và chiến thuật mới, pháo binh vẫn được sử dụng chủ yếu. Trong bối cảnh giao tranh chưa có hồi kết, Nga và Ukraine nhiều khả năng sẽ duy trì sự phụ thuộc vào pháo binh như một nền tảng chính trong chiến lược quân sự của mỗi bên.
Nguồn: Vov.vn