Israel đang chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công phối hợp tiềm tàng từ Iran và các đồng minh của Tehran. Đây sẽ là thử thách lớn nhất từ trước đến nay ngay cả với một hệ thống phòng không nhiều lớp chứ không chỉ riêng hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel.
Trong thập kỷ qua, Vòm Sắt do Mỹ và Israel phát triển đã trở thành hệ thống hàng đầu thế giới trong việc bắn hạ các tên lửa tầm ngắn, đối phó với mối đe dọa từ các vũ khí do các nhóm vũ trang như Hamas hay Hezbollah nhắm vào các khu dân cư.
Khả năng của Iran và lực lượng Hezbollah ở Lebanon là một vấn đề khác. Iran có những loại máy bay không người lái (UAV) và tên lửa đạn đạo mà Vòm Sắt không được thiết kế để ngăn chặn. Hezbollah có một kho vũ khí với súng cối, tên lửa – cả loại không dẫn đường và dẫn đường chính xác, với số lượng có thể áp đảo hệ thống phòng không của Israel.
Để đối phó với những mối đe dọa đó, Israel và Mỹ đã xây dựng một hệ thống phòng không mở rộng, kết hợp năng lực của lực lượng không quân Israel, Mỹ và các nước khác; hệ thống radar ở các nước láng giềng và thậm chí cả các quốc gia Arab để bắn hạ các tên lửa của Iran.
“Đó là một hệ thống quy mô lớn và mọi thứ được đồng bộ hóa với nhau”, ông Yehoshua Kalisky, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia có trụ sở tại Tel Aviv cho biết. Ông tin rằng Israel đã chuẩn bị tương đối tốt cho một cuộc tấn công lớn.
Các thành phần trong hệ thống nhiều lớp
Phần lớn hệ thống phòng thủ đó được điều phối thông qua Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), đơn vị chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông. Israel được đưa vào vùng địa lý của CENTCOM từ năm 2021, cho phép nước này có nhiều khả năng phối hợp tốt hơn với các quốc gia Arab mà Tel Aviv không có quan hệ quốc tế.
Hoạt động quân sự được điều phối thông qua cả trụ sở chính của CENTCOM tại Florida và một trụ sở ở Qatar. Hệ thống này đã được thử nghiệm vào tháng 4/2024 khi Israel, với sự giúp đỡ của các quốc gia như Mỹ, Vương quốc Anh và Pháp, đã có thể bắn hạ hàng loạt UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo Iran với tỷ lệ đánh chặn được cho là 99%. Chỉ có một người bị thương trong cuộc tấn công đó khi đó.
Giới chức Mỹ lo ngại, đòn đáp trả lần này của Iran có thể là một chiến dịch phối hợp với các mũi tấn công từ Hezbollah và các đồng minh khác của Tehran trong khu vực, bao gồm cả Houthi ở Yemen và các lực lượng dân quân ở Iraq, trong nỗ lực áp đảo các hệ thống phòng thủ của Israel.
Iran và Hezbollah dự kiến sẽ tấn công Israel để đáp trả cuộc không kích vào Beirut sát hại chỉ huy quân sự cấp cao của Hezbollah, Fuad Shukr và vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran.
“Iran, Hezbollah và Yemen sẽ đáp trả sau vụ ám sát Haniyeh và Shukr, và vụ đánh bom Hodeidah”, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah tuyên bố hôm 6/8, ám chỉ đến cuộc không kích của Israel hồi tháng 7 vào thành phố cảng do Houthi kiểm soát ở Yemen.
Khó khăn khi đối phó với một đợt tấn công lớn từ nhiều hướng là cần phải nhanh chóng phân loại nhiều mục tiêu khác nhau và quyết định mục tiêu nào cần bắn hạ trong thời gian rất ngắn.
Theo các nhà phân tích, hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel, phần lớn được phát triển cùng với Mỹ, được xây dựng cho những tình huống như vậy. Một số thành phần trong đó được thiết kế để đối phó với các loại mối đe dọa khác nhau, từ tên lửa tầm ngắn đến tên lửa đạn đạo tinh vi.
Một trong những hệ thống mới nhất, David’s Sling, có thể đánh chặn tên lửa từ tầm ngắn đến tầm xa, máy bay và UAV. Hệ thống này do Rafael của Israel và Raytheon của Hoa Kỳ cùng phát triển.
Arrow 3, được coi là “viên ngọc quý” của hệ thống nhiều lớp, khi nó có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo, trong khi phiên bản trước đó, Arrow 2, vẫn được sử dụng để đánh chặn tên lửa tầm trung đến tầm xa.
Arrow 3 được sử dụng lần đầu tiên vào tháng 11/2023, đánh chặn một tên lửa của Houthi. Còn David’s Sling được sử dụng lần đầu tiên hồi tháng 5/2023 để đánh chặn một tên lửa phóng từ Gaza.
Điểm yếu của hệ thống phòng không Israel
Một điểm yếu trong hệ thống phòng không của Israel là UAV, đặc biệt là khi chúng hoạt động kiểu bầy đàn, với khả năng bay thấp và tránh được hệ thống radar đối phương.
Một UAV do Houthis phóng từ Yemen đã lọt qua hệ thống phòng không của Israel và tấn công Tel Aviv vào tháng 7, khiến 1 dân thường thiệt mạng.
Hezbollah cũng đã chứng minh họ có thể phóng UAV giám sát để lập bản đồ các thành phố ở miền Bắc Israel, bao gồm cả các địa điểm quân sự nhạy cảm.
Israel đã phát triển một hệ thống mới có tên là Iron Beam (Tia Sắt), sử dụng tia laser để bắn hạ mục tiêu. Các chuyên gia an ninh tin rằng Iron Beam có thể hiệu quả trong việc chống lại UAV. Hệ thống này hiện chưa hoạt động, một số quan chức tin rằng nó có thể sẵn sàng trực chiến sớm nhất là vào năm 2025.
Hệ thống phòng không của Israel đã được đặt trong tình trạng báo động cao và quốc gia này hy vọng sẽ một lần nữa đạt được thành công như các vụ đánh chặn hồi tháng 4.
“Cuộc tấn công đầu tiên đã phá vỡ rào cản tâm lý ở Iran”, Tal Inbar, một nhà phân tích cấp cao tại Liên minh ủng hộ phòng thủ tên lửa có trụ sở tại Mỹ, cho biết, đồng thời nói thêm rằng cả Israel và Iran đều đã rút ra được bài học từ vụ việc này.
Một lý do khiến Israel đối đầu thành công với loạt UAV và tên lửa hồi tháng 4 là vì họ đã nhận được cảnh báo dựa trên thông tin tình báo nhiều giờ trước khi cuộc tấn công bắt đầu.
“Nếu họ [Iran] muốn tối đa hóa thiệt hại, họ sẽ không cho phép đối phương có thời gian cảnh báo trước lâu tới vậy”, ông Inbar cho biết.
Một bài học khác là Israel dựa vào các quốc gia khác để có được khả năng phòng không tối ưu.
“Hệ thống của chúng tôi hoạt động hiệu quả vì nó phối hợp tốt với hệ thống với Mỹ. Không phải chỉ mình Israel đối phó với tất cả mà Mỹ và các đồng minh khác đã giúp bảo vệ Israel”, Uzi Rubin, cựu Giám đốc đơn vị phòng thủ tên lửa của Israel và là một trong những người sáng lập ra các chương trình phòng không của nước này cho biết.
Mặc dù hệ thống phòng không của Israel có hiệu quả nhưng không hề rẻ. Kalisky trước đó ước tính rằng việc đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái của Iran vào tháng 4 tốn 2,1 tỷ shekel Israel, tương đương 550 triệu USD.
Nguồn: Vov.vn