Thời gian gần đây, Nga đã đổi mới chiến thuật tấn công với việc phóng tên lửa dẫn đường từ các máy bay hiện đại như Mi-28N Night Hunter và Ka-52 Alligator.
Những trực thăng này được trang bị hệ thống công nghệ cao, giúp gia tăng đáng kể hiệu quả chiến đấu. Trực thăng Nga đã sử dụng các loại tên lửa Ataka và Vikhr-1, có tầm bắn 10km. Những tên lửa này được trang bị hệ thống dẫn đường bằng laser, có độ chính xác cao và có khả năng chống gây nhiễu điện tử.
Trực thăng Nga phóng tên lửa dẫn đường phá hủy cứ điểm kiên cố của Ukraine. Nguồn: Telegram
Tên lửa Vikhr-1 được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu bọc thép như xe tăng và xe chiến đấu bộ binh. Chúng có khả năng xuyên thủng lớp giáp dày tới 900 mm, có khả năng chống lại các thiết bị hạng nặng. Trong khi đó, tên lửa Ataka có ứng dụng phổ biến hơn, có thể được sử dụng để tiêu diệt cả phương tiện bọc thép cũng như các vị trí kiên cố và nhân lực của đối phương.
Ngoài 2 tên lửa trên, Nga còn có tên lửa hiện đại LMUR (Izdeliye-305). Tên lửa này có nhiều đặc tính ưu việt hơn so với những mẫu tên lửa ra đời trước, có thể sử dụng cho cả trực thăng Mi-28NM và Ka-52M. LMUR có tầm bắn lên tới 15 km và được trang bị đầu dẫn đường, cho phép nó thu thập và theo dõi mục tiêu một cách độc lập sau khi phóng.
Trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trực thăng Nga đã sử dụng tên lửa dẫn đường để thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu khác nhau. Chẳng hạn, vào tháng 6/2023, phi đội Ka-52 đã tiêu diệt đoàn xe bọc thép của lực lượng vũ trang Ukraine bằng tên lửa Vikhr-1, làm gián đoạn cuộc tấn công của đối phương và đảm bảo an toàn cho các vị trí của Nga. Phi đội Mi-28N sử dụng tên lửa Ataka bắn hạ các vị trí kiên cố của đối phương ở vùng Donetsk. Cuộc tấn công đã phá hủy một số boongke và cứ điểm kiên cố, tạo điều kiện cho lực lượng Nga tiến lên và chiếm giữ các vị trí chiến lược.
LMUR cũng đã chứng tỏ được tính hiệu quả trong hoạt động tác chiến. Trong một trận chiến ở miền Nam Ukraine, phi đội Ka-52M đã sử dụng LMUR để phá hủy sở chỉ huy kiên cố của đối phương.
Nguồn: Vov.vn