Tiêm kích MiG-31BM được hiện đại hóa của Không quân Nga, kết hợp với tên lửa không đối không tầm xa R-37, sẽ là một thách thức lớn đối với máy bay chiến đấu F-16 trên bầu trời Ukraine.
Không quân Nga vừa chính thức tiếp nhận lô tiêm kích MiG-31BM nâng cấp đầu tiên trong năm 2024.
Theo thông báo của Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC) hôm 15/7, lô tiêm kích MiG-31BM đã được vận chuyển từ nhà máy Sokol ở thành phố Nizhny Novgorod đến các đơn vị chiến đấu của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga.
Các máy bay này đã trải qua quá trình kiểm tra, thử nghiệm cả ở dưới mặt đất và trên không, đạt mọi yêu cầu đề ra. MiG-31BM mới có khả năng tác chiến linh hoạt, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ trong môi trường tác chiến hiện đại.
Theo Eurasian Times, tính đến năm 2023, Nga có 3 phi đội MiG-31BM tương đương khoảng 90 máy bay chiến đấu đang hoạt động.
Lô MiG-31BM hiện đại hóa vừa tiếp nhận sẽ tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga trước bất kỳ đối thủ tiềm năng nào. Máy bay này đã chứng tỏ uy lực khi vượt trội hơn mọi máy bay chiến đấu khác được triển khai trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
“Quái thú” khiến Ukraine phải e ngại
MiG-31BM là phiên bản nâng cấp của MiG-31, dòng máy bay tiêm kích đánh chặn tầm xa siêu thanh. Biến thể BM cũng đã trải qua quá trình sửa đổi rộng rãi. Với khung thân chắc chắn hơn, tuổi thọ của máy bay đã tăng từ 2.500 lên 3.500 giờ.
Theo truyền thông Nga, MiG-31BM có hiệu suất gấp 2,6 lần so với các phiên bản MiG-31 trước đây. Radar Zaslon-M có thể xác định mục tiêu trên không cách xa tới 400km.
Tổ hợp radar mới của MiG-31BM có thể theo dõi cùng lúc 24 mục tiêu trên không, tấn công đồng thời 6 mục tiêu trong số đó bằng tên lửa R-33S. Radar có thể hoạt động tốt ngay cả trong môi trường bị gây nhiễu tích cực.
MiG-31BM có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau nhờ trang bị vũ khí đa dạng từ tên lửa không đối không, không đối đất, không đối hạm và tên lửa chống radar. Nó có hệ thống điện tử hàng không giống MiG-29SMT và được trang bị đầu tiếp nhiên liệu, giúp mở rộng phạm vi tham chiến.
MiG-31BM cũng có màn hình hiện thị đa chức năng (MFD) mới, bộ điều khiển HOTAS. Dưới thân máy bay có 4 điểm cứng bán chìm và 4 giá treo dưới cánh có thể mang tới 9 tấn đạn dược.
Ngoài tên lửa tầm xa R-33 và tên lửa tầm ngắn R-73, vũ khí không đối không uy lực nhất của MiG-31 là R-37, với tốc độ Mach 6 và tầm bắn lên tới 400km.
MiG-31 đóng vai trò là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không, nên được trang bị các liên kết dữ liệu an toàn kỹ thuật số và thông tin về mục tiêu có thể được chuyển sang các chiến đấu cơ khác như Su-30 và MiG-29.
F-16 không phải là đối thủ của MiG-31?
MiG-31BM đã chứng tỏ được sức mạnh trước các máy bay chiến đấu của Ukraine, vốn hạn chế về phạm vi hoạt động, tốc độ hoặc trần bay. MiG-31BM được cho là đã bắn hạ một số máy bay Ukraine, chủ yếu bằng tên lửa tầm xa R-37M.
MiG-31 có thể phóng tên lửa R-37M ở cự ly khoảng 180km, do đó những máy bay này khi thực hiện nhiệm vụ, không cần xâm nhập vào vùng trời đối phương mà vẫn có thể đe dọa được chiến đấu cơ của Ukraine.
Để tránh bị tên lửa R-37M bắn trúng, các phi công Ukraine đã phát triển một động tác né tránh được gọi là “bay chéo”. Tuy nhiên, họ không thể dễ dàng đánh trả những chiếc MiG-31 đã phóng tên lửa.
UAC bàn giao lô máy bay MiG-31 hiện đại cho quân đội Nga trong bối cảnh Ukraine sắp nhận những tiêm kích F-16 đầu tiên từ Đan Mạch và Hà Lan.
“Những chiếc máy bay đó… sẽ bay trên bầu trời Ukraine vào mùa hè này để đảm bảo rằng Ukraine có thể phòng thủ hiệu quả trước các cuộc tấn công của Nga”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết khi xác nhận thông tin về F-16.
Các nhà quan sát quân sự cho rằng mặc dù F-16 sẽ tăng cường khả năng phòng thủ và tấn công của Ukraine nhưng chúng không phải là “viên đạn bạc” và sẽ bị các máy bay chiến đấu của Nga, bao gồm cả MiG-31, vượt mặt.
Tiêm kích MiG-31 kết hợp với tên lửa không đối không tầm xa R-37 của Không quân Nga sẽ là một thách thức lớn đối với máy bay chiến đấu F-16 trên bầu trời Ukraine.
“Tiêm kích F-16 Block 20 không tốt hơn những chiếc MiG-29 mà Ukraine đang sở hữu. Để đẩy lùi MiG-31, tiêm kích phương Tây cần phải được nâng cấp radar, trang bị hệ thống điện tử hàng không hiện đại và tên lửa không đối không tầm xa AIM-120 (tầm bắn 180 km)”, Thống chế Không quân Ấn Độ đã nghỉ hưu, Anil Chopra, nhận định.
Nguồn: Vov.vn