Tổng thống Nga Putin tiếp tục thể hiện năng lực thao lược khi tung ra những nước cờ mới khiến cả Mỹ lẫn NATO cảm thấy bất an.
Động thái của ông Putin khi Mỹ vượt lằn ranh mới tại Ukraine
Khi Mỹ và đồng minh tuyên bố Ukraine có thể đánh vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây, Tổng thống Nga Putin liền gửi cảnh báo cứng rắn tới đối phương. Ông kích hoạt tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật, tuyên bố Moscow sẽ xem xét thay đổi học thuyết sử dụng vũ khí hạt nhân của mình. Ông cũng nhắc các nước NATO ở châu Âu về lãnh thổ nhỏ bé có mật độ dân cư đông đúc của họ, hàm ý những nước này dễ bị hủy diệt nếu bị tấn công hạt nhân.
Và tuần vừa qua, Tổng thống Nga đã hồi sinh thỏa thuận tương trợ phòng thủ với Triều Tiêu theo phong cách thời Chiến tranh Lạnh. Ông cảnh báo rằng Nga có thể vũ trang cho Triều Tiên để đáp trả việc phương Tây nới lỏng hạn chế đối với cách Ukraine sử dụng vũ khí của họ.
Thực tế này đã đẩy Nga và phương Tây vào một vòng leo thang căng thẳng mới liên quan đến Ukraine. Đáng chú ý, những diễn biến này xảy ra vào lúc có những bất trắc chính trị ở Kiev và những đột biến có thể xảy ra do bầu cử ở Mỹ và Pháp.
Như vậy, ngoài việc tăng cường đánh phá mục tiêu của Ukraine, nhà lãnh đạo Nga còn gây áp lực và làm phương Tây bất an.
Alexander Gabuev – Giám đốc Trung tâm Nga Á Âu Carnegie, nhận định: “Tôi e rằng chúng ta đang ở trong một vòng xoáy tệ hại. Nga quyết tâm buộc phương Tây phải trả giá vì đã ủng hộ Ukraine về mặt quân sự. Nga sẵn sàng thực hiện những động thái bất lợi cho phương Tây, như chia sẻ công nghệ hạt nhân với Triều Tiên”.
Ngay từ đầu xung đột Ukraine, Nga đã răn đe hạt nhân để phương Tây khỏi can thiệp vào cuộc xung đột này. Tính đến sự răn đe đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden cũng đã nỗ lực tránh nguy cơ chiến tranh hạt nhân với Nga. Mỹ và đồng minh từng rút một bộ vũ khí hiện đại khỏi Kiev do e sợ Nga có thể tiến hành trả đũa trực tiếp một quốc gia thành viên nào đó của NATO.
Tuy nhiên, cuối cùng phương Tây vẫn tăng dần, từng chút một, mức độ tinh vi và quy mô của các gói vũ khí viện trợ cho Ukraine. Đầu tiên là bệ phóng tên lửa HIMARS, sau đó là xe tăng và máy bay tiêm kích F-16.
Cơn ớn lạnh từ xa
Thay đổi mới đây nhất của phương Tây – cho phép Ukraine thực hiện tấn công vào lãnh thổ Nga để hạn chế năng lực của Nga thực hiện tấn công xuyên biên giới, dường như đã chạm đến lằn ranh đỏ thực sự của Nga. Kể từ khi có động thái đó của phương Tây, Tổng thống Nga Putin đã thường xuyên đề cập kho vũ khí hạt nhân của nước này và ám chỉ theo cách này hay cách khác về việc Nga có thể leo thang đáp trả phương Tây. Và điều bất ngờ nhất với phương Tây là ông Putin đã tuyên bố sẵn sàng vũ trang cho Triều Tiên. Với tuyên bố này, dù chưa phóng một tên lửa hạt nhân và cũng chưa cần dùng đến hoạt động tác chiến tại Ukraine, ông Putin vẫn khiến các nước phương Tây ớn lạnh với kịch bản Triều Tiên nắm giữ được các công nghệ hiện đại về tên lửa và hạt nhân do Nga chuyển giao. Việc nhà lãnh đạo Putin thể hiện thái độ sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Triều Tiên là điều khó có thể nghĩ tới trước đó, vào đầu nhiệm kỳ tổng thống mới của ông.
Giám đốc Gabuev nhận định, chính sách đối ngoại của Nga vào lúc này xoay quanh xung đột Ukraine với 3 mục tiêu: Đầu tiên là ủng hộ bộ máy quân sự Nga; thứ hai là ủng hộ nền kinh tế Nga dưới các lệnh trừng phạt của phương Tây và thứ ba là gây đau đớn cho Mỹ và phương Tây vì đã ủng hộ Ukraine.
Nhưng đòn nắn gân ám ảnh nói trên có thể không dừng lại ở chỗ giúp đỡ Triều Tiên. Giới phân tích cho rằng ông Putin có thể còn xem xét cung cấp vũ khí cho nhóm vũ trang Hồi giáo Houthi (lực lượng chiến binh dòng Shiite được Iran hậu thuẫn ở Yemen) và các nhóm khác thù địch với Mỹ và đồng minh nếu Mỹ tiếp tục phớt lờ các cảnh báo của Nga. Riêng Houthi thời gian qua đã liên tục tấn công tàu biển và máy bay của Mỹ trong và quanh Biển Đỏ.
Ukraine xin phương Tây cứng rắn hơn trong các hỗ trợ cho Kiev
Mặc dù phương Tây đã nới lỏng đáng kể các hạn chế đối với Ukraine trong việc sử dụng vũ khí phương Tây đánh vào lãnh thổ Nga, Tổng thống Ukraine Zelensky vào hôm 23/6 vẫn kêu gọi đồng minh mở rộng hơn nữa phạm vi họ tấn công, để họ có thể sử dụng vũ khí phương Tây đánh vào căn cứ không quân Nga, từ đó giảm áp lực của quân Nga lên Ukraine.
Tổng thống Zelensky nói rằng ông “biết ơn Mỹ vì đã có quyết định mạnh mẽ giúp Ukraine ổn định tình hình ở tỉnh biên giới Kharkov”. Ông nói thêm, “các quyết định như vậy cần phải tiếp tục”.
Giới chức Ukraine bày tỏ khát khao chặn được các cuộc tấn công lợi hại bằng bom lượn do Nga triển khai.
Nazar Voloshyn – phát ngôn viên của quân đội Ukraine, cho biết, các lực lượng Nga “đang rút một số đơn vị lại để bổ sung” trong khi tiếp tục oanh tạc khu vực Kharkov và củng cố các phòng tuyến mới.
Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, trụ sở ở Washington) nhận xét Nga giảm tấn công bộ binh ở phía Bắc Kharkov nhưng lại có dấu hiệu đẩy mạnh tấn công tại những khu vực khác của miền Đông Ukraine.
Xem thêm:
>> Lực lượng Chechnya – một mũi nhọn của Nga trên chiến trường Ukraine
>> Hội nghị hòa bình Ukraine thất bại toàn diện, Nga nắm thế thượng phong
>> Vùng biên Nga ứng phó với các trận pháo kích và UAV của Ukraine
Nguồn: Vov.vn