Ở nước ta, các hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán nói chung, thao túng thị trường chứng khoán nói riêng là các hành vi có thể bị xử lý hình sự với mức án cao nhất với cá nhân là 7 năm tù.
Những năm gần đây, thị trường chứng khoán trở nên sôi động hơn, nhưng kéo theo đó, số lượng các vụ thao túng thị trường cũng tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán, đi ngược lại với lợi ích chung của thị trường, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Giữa năm 2019, lần đầu tiên Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử vụ án “thao túng giá chứng khoán” do ông Trần Hữu Tiệp (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung – Công ty MTM) và 14 đồng phạm đã thực hiện các hành vi gian dối lừa đảo, thao túng cổ phiếu MTM, gây thiệt hại hơn 56 tỷ đồng, trong đó lừa đảo chiếm đoạt hơn 53 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Giữa năm 2020, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghiệp và khoáng sản Bình Thuận (Công ty KSA). Theo đó, bà Phạm Thị Hinh đã chỉ đạo nhân viên lập 69 tài khoản và sử dụng để liên tục mua, bán cổ phiếu KSA nhằm tạo ra cung, cầu giả thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Hậu quả của vụ thao túng này là thiệt hại cho các nhà đầu tư lên tới 8.1 tỉ đồng.
Một vụ án được xem là điển hình được giới đầu tư rất quan tâm đó là ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”; “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”. Theo đó, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) mượn chứng minh nhân dân mở 500 tài khoản chứng khoán trong đó sử dụng 190 tài khoản để thực hiện các hành vi liên tục mua bán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng thị trường chứng khoán đối với 05 mã chứng khoán gồm: AMD, HAI, ART, GAB, FLC thu lợi 723 tỷ đồng.
Ông Vũ Hải Sơn, Phó Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Luật Chứng khoán quy định hành vi thao túng thị trường chứng khoán là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trên thị trường chứng khoán. Tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đã đưa ra quy định cụ thể về các hành vi thao túng thị trường chứng khoán gồm:
– Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
– Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
– Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;
– Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;
– Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;
– Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.
Theo đó, tại Điều 210 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định cá nhân thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu vi phạm có tổ chức, hoặc thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên, hoặc tái phạm nguy hiểm, thì có thể bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Còn pháp nhân thương mại phạm tội thao túng thị trường chứng khoán, thực hiện một trong các hành vi thao túng quy định tại khoản 1 Điều Điều 211 Bộ Luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng; nếu phạm tội thuộc trường hợp có yếu tố tăng nặng quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng. Nếu pháp nhân phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ Luật hình sự năm 2015 (như được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm) được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm hoặc vĩnh viễn (nếu pháp nhân được thực hiện chỉ để thực hiện hành vi thao túng thị trường) hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
Theo ông Vũ Hải Sơn, Phó Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhiều trường hợp thao túng thường có biểu hiện giao dịch, diễn biến giá bất thường, không phù hợp với xu hướng thị trường hoặc tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, về phía các nhà đầu tư, để tránh bị ảnh hưởng bởi hành vi thao túng thị trường, nhà đầu tư cần nâng cao nhận thức và kiến thức về đầu tư chứng khoán, nắm bắt thông tin về tình hình thị trường, tình hình doanh nghiệp để làm cơ sở đánh giá, chủ động trong quyết định giao dịch, không để các dấu hiệu bất thường ảnh hưởng đến việc đầu tư, giao dịch. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng không nên mua bán theo những lời hô hào, lôi kéo trên các hội nhóm chứng khoán hoặc thông tin lan truyền không chính thống, có nhiều rủi ro và không có cơ sở.
Có thể nói, Ủy ban chứng khoán Nhà nước luôn nỗ lực tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi thao túng thị trường chứng khoán nhằm đảm bảo thị trường vận hành công bằng, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Nguồn: Vov.vn