NATO chặn tàu chiến và tiêm kích Nga nhưng Ukraine vẫn gặp khó

Hội nghị thượng đỉnh NATO 2024 hết lòng ủng hộ Ukraine trong xung đột vũ trang với Nga. Lực lượng NATO cũng đã có những động thái ngăn chặn tàu chiến và tiêm kích Nga ở vùng giáp ranh với lãnh thổ của khối quân sự này. Thế nhưng Ukraine vẫn đối mặt với những khó khăn lớn chồng chất, khó khắc phục sớm.

Tập thể NATO đồng loạt ngăn chặn Nga trong bối cảnh xung đột

Các lực lượng NATO đã chặn tàu hải quân và máy bay quân sự của Nga gần vùng biển và không phận của khối quân sự này trong tuần này giữa lúc lãnh đạo NATO họp thượng đỉnh tại Mỹ vào tháng 7/2024.

nato chan tau chien va tiem kich nga nhung ukraine van gap kho hinh anh 1
Máy bay tiêm kích MiG-29. Ảnh: Defence view.

Thông báo vắn tắt của không quân Đức cho biết, máy bay tiêm kích đa nhiệm Eurofighter Typhoon trong lúc tuần tra trên bầu trời khối quân sự NATO đã phát hiện 2 máy bay phản lực MiG-29 của Nga ngoài khơi Latvia (thành viên Baltic thuộc NATO).

Theo không quân Đức (Luftwaffe), bộ đôi tiêm kích Nga nói trên “đang bay trong không phận quốc tế trên Biển Baltic mà không có kế hoạch bay như vậy hoặc không liên lạc với kiểm soát không lưu dân sự”.

Các nhà nghiên cứu nguồn mở tuyên bố trên mạng X (trước đây là Twitter) rằng hình ảnh đi kèm thông báo trên cho thấy 2 chiếc MiG-29KR với số series xác định chúng thuộc đơn vị không quân của hải quân Nga đóng tại căn cứ Hạm đội phương Bắc ở Severomorsk.

Trong một diễn biến khác, tư lệnh hải quân Hà Lan, Phó Đô đốc Rene Tas vào hôm 8/7 tuyên bố rằng 3 tàu hải quân Nga đã được “hộ tống” đi qua vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Hà Lan tính từ bờ biển.

Rene Tas là sĩ quan cao cấp nhất phụ trách lực lượng hải quân liên hợp của Hà Lan và Bỉ. Ông đã chia sẻ trên mạng X các hình ảnh về hai con tàu này của Nga, bao gồm tàu hộ vệ Neustrashimy và một tàu chở dầu lớp Altay, cả hai đều thuộc về Hạm đội Baltic của Nga.

Ông Tas nói rằng vụ chạm trán này xảy ra vào kỳ nghỉ cuối tuần qua, khi hải quân Hà Lan tham gia cùng một tàu Hy Lạp bắn hạ 2 UAV do lực lượng Houthi phóng lên ở vùng Biển Đỏ.

Các nước thành viên NATO bao bọc Biển Baltic từ mọi phía. Tàu chiến của Hạm đội Baltic Nga đồn trú ở Kaliningrad – một vùng lãnh thổ tách rời của Nga, nằm giữa Ba Lan và Litva. NATO theo dõi chặt chẽ hoạt động di chuyển của những tàu này tới và từ Biển Bắc cũng như vùng Bắc Đại Tây Dương rộng lớn hơn.

Còn tại thượng đỉnh NATO ở Washington vào ngày 10/7, các nhà lãnh đạo của khối này tuyên bố Nga là “mối đe dọa lớn nhất và trực tiếp nhất” đối với an ninh của khối trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine tiếp diễn.

Các vị lãnh đạo NATO tuyên bố: “Chúng tôi ủng hộ đầy đủ quyền của Ukraine được lựa chọn các dàn xếp an ninh của riêng mình và quyết định tương lai riêng, thoát khỏi can thiệp từ bên ngoài. Tương lai của Ukraine nằm ở NATO. Ukraine đã trở nên ngày càng gắn kết về chính trị với Liên minh”.

Trong khi đó, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov vào ngày 11/7 đáp trả bằng cách mô tả NATO là “một liên minh được tạo ra trong kỷ nguyên đối đầu nhằm duy trì thế đối đầu”. Ông Peskov nói: “Liên minh này hoàn thành chức năng của mình. Căng thẳng đang leo thang trên lục địa châu Âu”.

Cũng lần đầu tiên, NATO ám chỉ sự gần gũi của Trung Quốc với Nga tạo ra một đe dọa cho an ninh xuyên Đại Tây Dương của phương Tây. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã coi tuyên bố đó của NATO là mang đầy “định kiến và khiêu khích, gieo rắc tin đồn gây hoảng loạn”.

Ukraine vẫn chìm trong thế khó

Mặc dù NATO có những tuyên bố mạnh mẽ chống lại Nga, Trung Quốc và ủng hộ Ukraine như vậy nhưng trên thực tế, Ukraine vẫn gặp muôn vàn khó khăn.

Các gói viện trợ quân sự của Mỹ và các nước châu Âu sẽ phải mất nhiều tháng mới tới được mặt trận của Ukraine. Chính giới chức NATO cũng thừa nhận Ukraine sẽ chưa thể sớm đủ lực để mở cuộc phản công đáng kể hoặc tái chiếm được những dải đất rộng lớn, chí ít là đến năm sau (2025). Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ giấu tên cho biết, phía Ukraine vẫn sẽ ở trong thế phòng thủ trong 6 tháng tới.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết, tiêm kích F-16 sẽ được bàn giao cho Ukraine vào mùa hè 2024 này. Nhưng các máy bay khả năng cao vẫn chỉ được sử dụng cho mục đích phòng thủ chứ không phải là tiến công để tái chiếm đất. Các thành viên của NATO vẫn tranh cãi về việc có để cho Ukraine dùng vũ khí phương Tây để đánh sâu vào lãnh thổ Nga hay không.

Đa phần các cam kết giúp đỡ Ukraine tại thượng đỉnh NATO 2024 này là cam kết dài hạn, nhằm giúp Ukraine bảo đảm an ninh trong cả thập kỷ tới.

Tại một diễn đàn trong thượng đỉnh NATO 2024, một đại diện của Thụy Điển cho biết, nền công nghiệp quốc phòng châu Âu bị bất ngờ trước “chiến dịch quân sự đặc biệt” quy mô lớn của Nga tại Ukraine vì nền công nghiệp này được định hướng chủ yếu cho thời bình và đến nay dù cố gắng nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu của phương Tây trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine.

Ngay cả khi Ukraine đã nhận được hết các máy bay F-16 mà phương Tây hứa hẹn cung cấp cho họ thì vẫn còn vấn đề lớn nữa cho Ukraine, như Tổng thống Ukraine Zelensky thừa nhận, đó là số lượng F-16 này quá nhỏ bé so với lượng lớn máy bay Nga đang triển khai trong xung đột Ukraine. Tổng thống Zelensky cho biết, do số lượng nhỏ bé nên những chiếc máy bay F-16 sẽ không tạo được nhiều khác biệt trên chiến trường.

Cụ thể, theo ông Zelensky, ngay cả khi Ukraine sở hữu 50 chiếc tiêm kích F-16 thì con số cũng không là gì cả vì Nga có tới 300 máy bay chiến đấu. Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine phải cần tới 128 chiếc F-16 vì nước này là bên phòng ngự.

Ngoài ra, tại thượng đỉnh NATO, một quan chức khối này cho biết do máy bay F-16 viện trợ cho Ukraine đến từ nhiều nước khác nhau nên sẽ phải căn chỉnh đáng kể để chúng phù hợp với không quân Ukraine. Mà trong lúc đó, quân đội Nga có thể thực thi nhiều động thái mới và có thêm bước tiến mới trên chiến trường.

Xem thêm:

>> Giới tinh hoa Nga ủng hộ “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine như thế nào?

>> Tên lửa Nga Iskander làm nổ tung cả đoàn xe quân sự cùng kho đạn Ukraine

>> Ukraine sẽ làm gì để cứu máy bay quân sự trước các đòn tập kích của Nga?

Nguồn: Vov.vn