Lý do Ukraine khó “đánh lớn” để chiếm lại bán đảo Crimea

Các đòn tấn công của Ukraine được cho là đã đẩy Hạm đội Biển Đen của Nga ra khỏi Crimea. Nhưng việc chiếm lại bán đảo này sẽ vô cùng khó khăn, Ukraine cần có đủ nhân lực, hỏa lực, không quân yểm trợ và một chiến lược thận trọng.

Nga kiểm soát Crimea kể từ khi sáp nhập bán đảo này vào năm 2014 và đặt trụ sở Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol. Tuy nhiên, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, Kiev đã nhiều lần tấn công các mục tiêu ở Crimea, phá hủy hoặc làm hư hại khoảng một nửa số tàu chiến của Hạm đội Biển Đen.

ly do ukraine kho danh lon de chiem lai ban dao crimea hinh anh 1
Tàu chiến Nga di chuyển gần cầu Kerch nối đất liền Nga với bán đảo Crimea, ngày 23/7/2023. Ảnh: Getty

Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái trên không, tàu không người lái trên biển cùng tên lửa chống hạm để nhắm vào Hạm đội Biển Đen và Cầu Kerch.

Chiến dịch của Kiev thậm chí được cho là đã buộc Nga rút tàu chiến rút khỏi Crimea và di chuyển đến các căn cứ khác như Feodosia (trên bán đảo Crimea nhưng cách xa Ukraine hơn) hay Novorossiysk (thuộc vùng Krasnodar của Nga).

Các đòn tấn công của Kiev đang khiến Crimea này mất dần vai trò như một tuyến đường hậu cần quan trọng cho lực lượng Nga ở Ukraine. Dù vậy, nếu Ukraine muốn chiếm lại bán đảo này, họ sẽ cần một lực lượng tấn công lớn được chuẩn bị cho trận chiến được nhận định là vô cùng khó khăn.

“Việc chiếm lại Crimea sẽ cực kỳ khó khăn vì Crimea về cơ bản là một hòn đảo”, Mark Cancian, một đại tá Thủy quân Lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu, hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với BI.

“Một cuộc tấn công đổ bộ là không thể vì Ukraine không có tàu để chở một lượng lớn binh sĩ và thiết bị hạng nặng. Hơn nữa, Nga vẫn có máy bay tầm xa và hạm đội tàu ngầm mạnh mẽ”, ông nói thêm.

Theo ông Basil Germond, chuyên gia về an ninh quốc tế tại Đại học Lancaster ở Anh, Nga có một cơ sở hạ tầng quân sự rộng lớn trên khắp Crimea và những cơ sở này phải bị phá hủy nghiêm trọng thì Ukraine có cơ hội giành lại bán đảo.

Ông cho rằng, Ukraine “trước tiên cần phải chuẩn bị bằng cách phá hủy hoặc làm suy yếu nghiêm trọng tất cả các thiết bị và khả năng tác chiến điện tử, phòng không, phòng thủ tên lửa, thông tin liên lạc và không quân của Nga ở Crimea và có thể là cầu Kerch”.

Ngay cả F-16 cũng khó giúp Ukraine 

Theo các chuyên gia quân sự và các nhà phân tích, việc tiếp cận Crimea là một thách thức lớn do vị trí của nó nằm xa tiền tuyến, các tuyến phòng thủ kiên cố của Nga và tình trạng thiếu nhân lực cũng như sức mạnh không quân của Ukraine.

“Crimea nằm sâu bên trong lãnh thổ do Nga kiểm soát và cách xa tiền tuyến hiện tại”, ông Cancian nói.

Nga đã bố trí các chiến hào chống tăng, mê cung chiến hào, rào chắn răng rồng và bãi mìn, với phần lớn các tuyến phòng thủ của họ nằm ở phía Bắc Crimea.

“Lực lượng Nga được tăng cường và phòng thủ tốt ở những khu vực này. Sẽ mất nhiều thời gian để Ukraine phá vỡ các tuyến phòng thủ đó”, ông Mark Temnycky tại Trung tâm Á-Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết.

Nếu không có các lựa chọn để vận chuyển lực lượng tấn công lớn bằng đường không hay đường thủy, Ukraine sẽ buộc phải tấn công xuyên qua các tuyến phòng thủ của Nga để tiếp cận Crimea.

Hơn nữa, nếu Nga mất quyền kiểm soát Kherson (giáp Crimea), họ có thể rải mìn và tập trung hỏa lực vào một số tuyến đường bộ tiếp cận Crimea, sử dụng chiến thuật tương tự như cách họ đã làm để ngăn chặn cuộc phản công năm 2023 của Ukraine.

“Nếu không có lực lượng hải quân đổ bộ vào Crimea, làm sao Ukraine có thể triển khai đủ binh sĩ lên bán đảo này để giành quyền kiểm soát?” ông Germond của Đại học Lancaster nêu ý kiến.

Ukraine đã dùng đến tên lửa và vũ khí tầm xa để tấn công hệ thống phòng không của Nga ở Crimea, bao gồm cả tến lửa ATACMS do Mỹ cung cấp.

Tháng trước, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho rằng, các cuộc tấn công liên tục của Ukraine vào hệ thống phòng không của Nga có thể khiến Crimea không còn là một bàn đạp quân sự.

Để có cơ hội tốt nhất để vượt qua hàng phòng thủ của Nga, Ukraine cần một lực lượng được trạng bị đầy đủ và quy mô gấp 3 đến 5 lần so với lực lượng phòng thủ (phía Nga).

Ông Benjamin Friedman, Giám đốc chính sách tại tổ chức nghiên cứu Defense Priorities, cho biết Ukraine thiếu nhân lực và lực lượng yểm trợ trên không cần thiết để tiến hành cuộc tấn công theo kiểu “đánh lớn”.

“Xét đến năng lực phòng không của Nga, ngay cả với F-16, tôi không nghĩ Ukraine có khả năng yểm trợ trên không hiệu quả cho lực lượng mặt đất”, ông nói.

Crimea dễ bị tấn công nhưng Ukraine khó đánh chiếm

Bất chấp những thách thức trên chiến trường mà Ukraine phải đối mặt, một số chuyên gia chọ rằng Kiev vẫn có thể chiếm lại Crimea nếu có đủ vũ khí, nhân lực và thời gian.

Họ có thể tiến hành chiến dịch vượt qua eo đất Pereko – nơi chia tách Crimea với đất liền Ukraine hoặc vượt qua vùng đầm lầy Sivash ở phía Đông để đến Crimea.

“Đó là những gì đã xảy ra trong Thế chiến II, khi Đức chiếm Crimea năm 1942, và Liên Xô chiếm lại vào năm 1944”, ông Cancian nói.

Tuy nhiên, để làm được điều này, trước tiên Ukraine cần phải đột phá qua “phòng tuyến Suvorikin” của Nga, một hệ thống phức tạp gồm các công sự phòng thủ và chướng ngại vật trên khắp các lãnh thổ do Nga kiểm soát ở phía Nam và phía Đông Ukraine mà Kiev chưa bao giờ xuyên thủng được.

Theo ông Sergej Sumlenny, người sáng lập Trung tâm Sáng kiến ​​Phục hồi Châu Âu của Đức, câu hỏi hiện nay là “khi nào Ukraine sẽ tích lũy được nhiều hỏa lực như vậy, không chỉ pháo binh mà còn cả không quân, để họ có thể vượt qua các tuyến phòng thủ của Nga và sau đó tiếp cận Crimea”.

Ông Sumlenny cho biết, nếu và khi quân đội Ukraine đến Crimea, họ có thể phá hủy Cầu Kerch và tuyến phà cuối cùng qua Biển Azov, cắt đứt mọi tuyến tiếp tế của Nga đến bán đảo này và cô lập lực lượng Nga tại đây.

Sử dụng tên lửa tầm xa để cắt đứt các tuyến tiếp tế là yếu tố quan trọng giúp Ukraine giành lại thành phố Kherson vào cuối năm 2022.

Theo ông Sumlenny, lịch sử cho thấy, Crimea dễ bị tấn công. Năm 1921, Hồng quân Liên Xô đã đánh bại quân Bạch vệ và giành quyền kiểm soát bán đảo. Năm 1941, phe Trục đã xâm lược Liên Xô trong Chiến dịch Barbarossa, với lực lượng trên bộ bao vây Sevastopol.

Hồng quân phát động một cuộc phản công lớn vào cuối năm 1943 với 2,6 triệu người và đã đẩy lùi quân Đức, làm suy yếu sự kiểm soát của quân Đức đối với Crimea. Một lực lượng Liên Xô gồm hơn 450.000 người cuối cùng giành lại quyền kiểm soát Crimea vào năm 1944.

“Crimea thực tế là một pháo đài không thể bảo vệ được. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, nếu quân đội Ukraine vượt qua được Eo đất Pereko, lực lượng Nga sẽ phải đối mặt với một trong hai lựa chọn: rút lui ngay lập tức khỏi Crimea hoặc bị đánh bại và bị bắt giữ”, ông Sumlenny nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia khác nhận định thận trọng hơn. Ông Temnycky cho rằng một cuộc tấn công toàn diện nhằm chiếm lại Crimea là “rất khó xảy ra” do những tổn thất to lớn mà Ukraine đang phải gánh chịu.

Trong khi đó, ông Friedman cho rằng một hoạt động như vậy sẽ đòi hỏi “một sự sụp đổ thảm khốc của Nga”, điều mà ông cho là “cực kỳ khó xảy ra”.

Đã có những lo ngại rằng Nga sẽ cân nhắc đến lực lượng hạt nhân nếu quân đội của họ đang trên bờ vực mất Crimea.

Theo ông Cancian, “do mức độ khó khăn, việc chiếm lại Crimea sẽ là sự kiện cuối cùng của cuộc xung đột, chứ không phải là sự kiện có thể xảy ra ở giai đoạn giữa”.

Nguồn: Vov.vn