Phòng, chống mua bán người, cũng như hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Việt Nam và các nước trên thế giới quan tâm, đẩy mạnh triển khai.
Ngày 4/7 vừa qua, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, khi đề cập báo cáo về tình hình mua bán người của Bộ Ngoại giao Mỹ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ có đánh giá khách quan về kết quả tích cực của Việt Nam trong công tác phòng chống mua bán người”. Vậy thời gian qua, công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người và đưa họ trở lại cuộc sống bình thường diễn ra như thế nào?
Cuộc chiến không khoan nhượng với tội phạm mua bán người
Tội phạm mua bán người, một trong những loại tội phạm xâm hại nghiêm trọng nhất đến quyền con người, vẫn đang là vấn đề nóng trên toàn cầu. Tội phạm mua bán người không chỉ hủy hoại cuộc sống của nạn nhân, còn tác động tiêu cực đến sự phát triển về kinh tế, văn hóa, trật tự, an toàn xã hội của mỗi quốc gia. Nạn nhân của loại tội phạm này thường rơi vào các tình trạng bị bóc lột tình dục, lao động cưỡng bức, lừa đảo…
Tình hình tội phạm mua bán người ở Việt Nam trong thời gian gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều vụ nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, bị khống chế bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lừa đảo, cưỡng đoạt, cướp tài sản, có trường hợp dẫn đến chết người, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc phát hiện, điều tra 35 vụ mua bán người/78 đối tượng, 103 nạn nhân. Bên cạnh thủ đoạn truyền thống với hình thức gặp gỡ, làm quen trực tiếp với nạn nhân, các đối tượng phạm tội có xu hướng chuyển sang sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân. Họ hứa hẹn việc làm “nhẹ nhàng” có thu nhập cao ở các quốc gia như Trung Quốc, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc) và Lào, sau đó buộc nạn nhân làm việc bất hợp pháp, thậm chí bán dâm hoặc đòi tiền chuộc với số tiền lớn.
Lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, thăm thân… để tuyển chọn, dụ dỗ, lôi kéo các cô gái có hoàn cảnh gia đình éo le, khó khăn lấy chồng nước ngoài, xuất khẩu lao động ở nước ngoài với thu nhập cao sau đó lừa bán hoặc bóc lột nạn nhân.
Trực tiếp tiếp cận, làm quen với phụ nữ, học sinh rủ rê đi chơi, du lịch, làm thuê với thu nhập cao để lừa phụ nữ, trẻ em gái ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn để đưa về các khu vực thành thị, bán cho các nhà hàng, quán Karaoke, Massage… hoặc bán nạn nhân ra nước ngoài.
Một thủ đoạn khác là giả danh cán bộ trong cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang để làm quen, giả vờ hẹn hò yêu đương, rủ đi chơi hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó bán ra nước ngoài.
Lợi dụng quy định về hiến, ghép tạng để tiếp cận những người đang gặp khó khăn về kinh tế có nhu cầu bán thận, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu để hợp thức hóa thủ tục, sau đó bán cho người có nhu cầu ghép tạng với giá cao.
Các đối tượng lập hội, nhóm kín “cho và nhận con nuôi” trên mạng xã hội Facebook, Zalo…, tìm kiếm những phụ nữ có thai nhưng không có nhu cầu nuôi con hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để xin hoặc mua lại những bé mới sinh, chuẩn bị sinh. Sau đó, các đối tượng đem bán cho người khác, với danh nghĩa cho nhận con nuôi để hưởng lợi, kèm theo các dịch vụ làm các giấy tờ giả nhằm hợp thức nguồn gốc của trẻ.
Lợi dụng chính sách, thủ tục xuất nhập cảnh, các đối tượng người nước ngoài câu kết với đối tượng người Việt Nam để tổ chức đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động sau đó thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bóc lột, cưỡng bức và lạm dụng tình dục nạn nhân.
Xuất hiện một số đường dây do đối tượng người Việt Nam chủ mưu, cầm đầu mua bán người nước ngoài qua Việt Nam đi nước thứ ba.
Tình hình mua bán người diễn biễn phức tạp cũng bởi Việt Nam có đường biên giới trên đất liên dài 4.000km qua 25 tỉnh, tiếp giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, nhiều đường mòn và đường tiểu ngạch thuận lợi cho việc qua lại biên giới. Bên cạnh đó, Trung Quốc, Campuchia đang thực hiện nhiều cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng ở khu vực biên giới với Việt Nam như: xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, chợ biên giới… để thu hút người dân Việt Nam sang lao động làm thuê, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua bán người.
Thực hiện công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, trong đó lực lượng Cảnh sát hình sự là nòng cốt, đi đầu, huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, phấn đấu giảm tội phạm mua bán người và tạo chuyển biến rõ rệt về phòng, chống loại tội phạm này.
Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, trước thực trạng mua bán người nêu trên, lực lượng Cảnh sát hình sự luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm với nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
lực lượng Cảnh sát hình sự đã thực hiện tốt công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, với những hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng. Cục Cảnh sát hình sự và lực lượng Cảnh sát hình sự địa phương đã trực tiếp tổ chức các cuộc truyền thông cộng đồng, các lớp tập huấn chuyên sâu và lồng ghép cho cán bộ các ngành, cho quần chúng nhân dân để nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống mua bán người.
Về công tác điều tra, truy tố và xét xử, lực lượng Cảnh sát hình sự phối hợp với Bộ đội Biên phòng các ngành chức năng các cấp đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình; xây dựng và phối hợp triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, điều tra theo tuyến, địa bàn trọng điểm; hằng năm, mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc; phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng các nước có chung đường biên giới triển khai các biện pháp phòng ngừa, trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao đối tượng phạm tội, giải cứu nạn nhân.
Với những nỗ lực nêu trên, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 138/CP, 10 năm (từ năm 2014 đến năm 2023), Việt Nam phát hiện, điều tra khoảng trên 2.400 vụ mua bán người/3.800 đối tượng, 5.700 nạn nhân.
Tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng giảm đáng kể về số lượng vụ mua bán người, số đối tượng và số nạn nhân qua các năm, đặc biệt từ năm 2018 trở đi… Thống kê của Cục Cảnh sát hình sự cho thấy 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc phát hiện, điều tra 35 vụ mua bán người/78 đối tượng, 103 nạn nhân.
Cùng với việc ban hành Luật phòng, chống mua bán người và các luật có liên quan, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia sớm ký kết, tham gia các công ước, nghị định thư của Liên Hợp Quốc; thỏa thuận, tuyên bố, bản ghi nhớ của ASEAN, các nước trong khu vực; hiệp định, thỏa thuận hợp tác với các nước có liên quan.
Ngoài ra, Việt Nam có nhiều thay đổi quan trọng trong khung pháp lý; tăng cường hợp tác song phương, đa phương trong phòng, chống tội phạm mua bán người.
Các bước tiến này không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực thi các điều ước quốc tế, còn phản ánh sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống pháp luật mạnh mẽ để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Đặc biệt, Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã tăng cường quy định về tội mua bán người theo hướng phù hợp hơn với các điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia. Đây là những bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc thiết lập một khung pháp lý chuyên biệt nhằm phòng, chống tội phạm mua bán người.
Các công cụ pháp lý này không chỉ xác định rõ các biện pháp phòng, chống tội phạm mua bán người, còn quy định về việc bảo vệ, hỗ trợ các nạn nhân mua bán người, từ việc giáo dục cộng đồng đến việc cung cấp dịch vụ pháp lý, tâm lý xã hội.
Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng
Là tổ chức chính trị-xã hội đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã, đang thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ, nhân dân tham gia phòng ngừa mua bán người; tham gia tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Bà Lã Hồng Linh – Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, Trung ương Hội đã phối hợp tổ chức 20 cuộc truyền thông trực tiếp tại cộng đồng với sự tham gia của hơn 7.400 hội viên phụ nữ, người dân, học sinh các Trường Trung học Phổ thông, Trung tâm giáo dục nghề tại 8 xã của 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến hội viên, phụ nữ, người dân cộng đồng kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, về di cư lao động an toàn, pháp luật về đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trợ giúp pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, phụ nữ; tuyên truyền vai trò, trách nhiệm của gia đình, cha mẹ trong quản lý, giáo dục con em không phạm tội và tệ nạn xã hội gắn với phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới.”
Tổng đài 1900 96 96 80 của Ngôi nhà Bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển-Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tiếp nhận 942 cuộc gọi (tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái), thực hiện 1.546 lượt tham vấn (trong đó vấn đề bạo lực gia đình chiếm 85%).
Tại các Ngôi nhà Bình yên, 100% người tạm trú đều được hỗ trợ tạm lánh an toàn; được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ban đầu; kiểm tra sức khỏe tổng quát; được tham vấn tâm lý; được cung cấp thông tin về các vấn đề pháp luật…
Các cấp Hội tích cực, chủ động lên tiếng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em; ngay sau khi các việc xảy ra, các cấp Hội kịp thời nắm tình hình, động viên thăm hỏi và đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật./.
Nguồn: Vov.vn