Theo luật sư Cường, khi vợ hoặc chồng vi phạm nghĩa vụ vợ chồng theo quy định của pháp luật, không yêu thương, không chung thủy, không tôn trọng, quan tâm chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau thì đó là một trong những căn cứ để bên còn lại có quyền đề nghị tòa án cho ly hôn đơn phương.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình thì vợ chồng có nghĩa vụ yêu thương, chung thủy, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống. Nếu một bên ngoại tình thì bên kia có quyền đơn phương ly hôn.
Tuy nhiên, mới đây Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn Luật Hôn nhân và Gia đình, trong đó có quy định trường hợp “Vợ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không được đơn phương ly hôn bất kể cái thai đó là của ai”. Quy định này khiến nhiều người có quan điểm khác nhau, gây tranh cãi. Nhiều người lo sợ rằng, quy định này sẽ khiến phụ nữ sẵn sàng ngoại tình và nếu có thai, có con với người khác thì người chồng cũng không được phép ly hôn cho đến khi đứa bé được 12 tháng tuổi, trong thời gian này chồng vẫn phải có nghĩa vụ yêu thương chăm sóc, nuôi dạy đứa trẻ…
Hạn chế quyền được ly hôn của người chồng?
Bàn luận về vấn đề này, Ts.Ls. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, hạn chế quyền được đơn phương ly hôn của người chồng khi người vợ mang thai với người khác là thể hiện tính nhân đạo, bảo vệ quyền lợi phụ nữ. Tuy nhiên, quy định này có thể mâu thuẫn với quy định quyền được đơn phương ly hôn khi vợ ngoại tình và dễ phát sinh xung đột trong thời gian người chồng chờ đủ điều kiện gửi đơn ly hôn.
Bởi vậy, khi áp dụng quy định này cần phải mềm dẻo, linh hoạt, tùy từng trường hợp mà hạn chế quyền đơn phương ly hôn của người chồng. Khi tiếp nhận đơn đề nghị ly hôn thì tòa án có thể động viên vợ chồng thuận tình ly hôn nếu như hôn nhân đã lâm vào tình trạng trầm trọng, kéo dài có thể dẫn đến bạo lực gia đình, không đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Luật sư Cường phân tích, Luật hôn nhân và gia đình quy định: Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan (Điều 17). Đồng thời, vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác (Điều 19).
Theo luật sư Cường, khi vợ hoặc chồng vi phạm nghĩa vụ vợ chồng theo quy định của pháp luật, không yêu thương, không chung thủy, không tôn trọng, quan tâm chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau thì đó là một trong những căn cứ để bên còn lại có quyền đề nghị tòa án cho ly hôn đơn phương. Nếu một bên ngoại tình đã được bạn bè, gia đình, chính quyền địa phương hoặc cơ quan đoàn thể hòa giải nhiều lần nhưng vẫn ngoại tình thì đó là tình trạng hôn nhân trầm trọng, là căn cứ cho người còn lại được quyền đề nghị đơn phương ly hôn.
“Nếu việc người vợ ngoại tình nhiều lần dẫn đến mang thai với người khác mà người chồng không được đơn phương ly hôn thì có vẻ như không bình đẳng và cuộc sống hôn nhân sẽ ngày càng trầm trọng, họ sẽ sống trong sự bất hòa kéo dài, bạo lực gia đình có thể xảy ra… Bởi vậy, theo tôi tùy từng trường hợp người vợ mang thai với người khác mà nên có những quy định khác nhau về quyền được lựa chọn ly hôn của người chồng. Nếu người vợ mang thai là do bị cưỡng dâm, hiếp dâm, hoặc do nguyên nhân khách quan khác mà không có lỗi của người vợ thì có thể hạn chế quyền được đơn phương ly hôn của người chồng trong thời hạn vợ mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi”- luật sư Cường phân tích.
Ly hôn là quyền của mỗi người khi hôn nhân không hạnh phúc
Pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định ly hôn là quyền của vợ, của chồng khi hôn nhân không hạnh phúc. Tuy nhiên, để đảm bảo chính sách nhân đạo, nhân văn và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em thì Luật Hôn nhân và Gia đình hạn chế quyền được đơn phương ly hôn của chồng khi vợ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Điều đáng chú ý, trong thực tiễn thì có nhiều trường hợp người vợ mang thai với người khác (do ngoại tình), mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định pháp luật và nuôi con của người khác (bao gồm đẻ con với người khác về nuôi con nuôi) dưới 12 tháng tuổi… điều này dẫn đến có những quan điểm khác nhau về việc tòa án có thụ lý giải quyết cho người chồng ly hôn hay không.
Trước những thực trạng như vậy, theo Luật sư Cường, Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao cần có văn bản hướng dẫn để xác định quy định hạn chế quyền được ly hôn đơn phương của người chồng theo khoản 3, điều 51 Luật hôn nhân và gia đình có bao gồm trường hợp vợ (ngoại tình) mang thai với người khác, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nuôi con của người khác hoặc nuôi con nuôi dưới 12 tháng tuổi hay không ?
Hạn chế quyền được ly hôn của người chồng khi người vợ ngoại tình dẫn đến mang thai với tình nhân sẽ khiến mâu thuẫn căng thẳng trong gia đình tăng lên và bạo lực gia đình sẽ có xu hướng gia tăng trong những trường hợp như vậy. Quy định này dẫn đến xung đột với quy định về quyền được ly hôn đơn phương khi một bên vi phạm nghĩa vụ vợ chồng (ngoại tình), trong những trường hợp như vậy thì gia đình không thể có hạnh phúc trong giai đoạn này và bi kịch gia đình có thể kéo dài.
Lĩnh vực hôn nhân và gia đình là lĩnh vực đặc biệt, mối quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không chỉ được điều chỉnh bởi pháp luật mà còn được điều chỉnh nhiều bởi các quy phạm xã hội như đạo đức, văn hóa, tập quán… Bởi vậy, quy định về hạn chế quyền được đơn phương ly hôn của người chồng khi người vợ mang thai với người khác, theo luật sư Cường, cần phải được chi tiết và nhìn nhận đánh giá một cách linh động, mềm dẻo, trên cơ sở các nguyên tắc nhân đạo, nguyên tắc chung của luật hôn nhân và gia đình.
Nếu người vợ mang thai với người khác do bị hiếp dâm, cưỡng dâm hoặc do lý do khách quan khác thì hạn chế quyền được ly hôn của người chồng trong thời gian vợ mang thai, nuôi con dưới 12 tháng là hợp lý để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, tránh sáo trộn tâm lý, đời sống của phụ nữ mang thai.
Ngày 16/5/2024 Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP, hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc hôn nhân gia đình. Theo đó Điều 2 của Nghị quyết để quy định:
“1. “Đang có thai” quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình là khoảng thời gian vợ mang trong mình bào thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén.
2. “Sinh con” quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình là thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian từ khi sinh con đến khi con dưới 12 tháng tuổi;
b) Vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con;
c) Vợ có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén.
3. Chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này hoặc ngày đình chỉ thai nghén hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều này.
4. Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.
5. Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.
6. Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì việc xác định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của chồng như sau:
a) Chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
b) Chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”.
Nguồn: Vov.vn