Theo luật sư, các quy định của pháp luật Việt Nam còn thấp, chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm. Do đó, để giải quyết vấn nạn ghi hình lén người khác ở Việt Nam như hiện nay, pháp luật Việt Nam cần quy định tăng cao mức phạt để đủ sức răn đe và phản ánh đúng mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.
Gần đây liên tục xuất hiện các vụ việc dùng camera giấu kín để quay lén hình ảnh “nhạy cảm” của người khác ở khách sạn, nhà nghỉ, phòng thay đồ, phòng ngủ, phòng tắm, nhà vệ sinh phụ nữ… đã làm dấy lên nhiều lo ngại và sự bức xúc trong dư luận xã hội như: vụ việc người mẫu Châu Bùi (Bùi Thái Bảo Châu, bị đặt camera quay lén trong phòng thử đồ tại một studio ở TPHCM; vụ việc nữ sinh bị chủ nhà trọ lắp đặt camera giấu kín quy lén trong nhà vệ sinh ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông; hay mới đây lại xuất hiện vụ việc nữ sinh năm 2000 quê ở Bắc Giang phát hiện có camera giấu kín, ghi hình trộm lắp trong ổ điện nhà tắm ở phòng trọ tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy và đã trình báo Công an phường Nghĩa Đô…
Trao đổi với PV VOV.VN, luật sư Trần Văn Huy, Giám đốc Công ty Luật TNHH HTM – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích, vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm này còn chưa đủ sức răn đe; sự biến chất về đạo đức con người; thủ đoạn của kẻ gian ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện; vấn nạn mua bán tràn lan các thiết bị ghi hình giấu kín trên thị trường…
Trong số những nguyên nhân nêu trên, theo luật sư Huy đặc biệt phải nói đến nguyên nhân chính là do quy định của pháp luật về chế tài xử lý đối với người thực hiện hành vi vi phạm. Mặc dù pháp luật hiện nay đã có những quy định về xử phạt đối với hành vi xâm phạm bí mật đời tư, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe.
Luật sư Huy nêu ví dụ điển hình, vụ việc nữ sinh tại quận Hà Đông phát hiện bị chủ nhà trọ lắp camera giấu kín quay lén trong phòng vệ sinh, sau đó chủ nhà trọ chỉ bị UBND quận Hà Đông ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “thu thập trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác” với số tiền là 12,5 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 84 Nghị định số: 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính Phủ (trường hợp này nếu thông tin xử phạt đúng như báo chí đưa tin thì UBND quận Hà Đông đã áp dụng xử phạt không đúng quy định của pháp luật. Bởi khoản 2 Điều 84 Nghị định số: 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 đã được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị địnhsố: 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ, với mức phạt tiền áp đụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm là từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng).
Như vậy, rõ ràng có thể thấy mức xử phạt hành chính còn quá nhẹ so với hậu quả do hành vi vi phạm gây ra cho nạn nhân. Điều đó có thể dẫn đến tâm lý coi thường pháp luật của người vi phạm, họ có thể sẽ cho rằng, dù có bị phát hiện và xử lý thì cũng chỉ bị xử phạt nhẹ, không lo ngại mà vẫn cố ý thực hiện hành vi xâm phạm đối với nạn nhân.
Theo luật sư Huy, những đặc điểm về cơ thể, hình ảnh riêng tư, nhạy cảm là bí mật đời tư cá nhân, là danh dự, nhân phẩm của mỗi cá nhân, là một trong những quyền bất khả xâm phạm của cá nhân theo quy định của hiến pháp và pháp luật.
Việc ghi hình, chụp ảnh cơ thể của người khác một cách lén lút là hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Hành vi này nếu bị tố cáo, tố giác thì tùy theo tính chất, mức độ hậu quả do hành vi gây ra mà người ghi hình lén người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật dân sự.
Cụ thể, về xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì cá nhân người quay lén sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20.000.000đ đến 30.000.000đ. Đồng thời, người vi phạm còn có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm mà có (theo định tại khoản 3 Điều 4 và khoản 2 Điều 84 Nghị định số: 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử – được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định số: 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ).
Ngoài ra, cá nhân thực hiện hành vi “Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó” hoặc “Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp” còn có thể bị áp dụng mức xử phạt tiền từ 5.000.000đ đến 10.000.000đ (theo quy định tại khoản 3 Điều 4 và khoản 1 Điều 84 Nghị định số: 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ nêu trên)
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, luật sư Huy phân tích, nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi của người quay lén không chỉ dừng lại ở việc thu thập thông tin, hình ảnh cá nhân của nạn nhân còn sử dụng những thông tin, hình ảnh này vào mục đích trái pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm lý, danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc sức khỏe, tính mạng, tài sản của nạn nhân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, nếu người có hành vi sử dụng thông tin, hình ảnh đã quay lén của người khác với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, uy tín của cá nhân hoặc phát tán những thông tin, hình ảnh của nạn nhân dẫn đến nạn nhân bị xâm hại nghiêm trọng về danh dự, nhân phẩm, uy tín thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 207), với mức hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù.
Nếu người có hành vi quay lén người khác, sau đó tàng trữ, lưu hành, trao đổi, vận chuyển, mua bán nhằm phổ biến hình ảnh, video quay lén với nội dung nhạy cảm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm năm 2017), với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.
Ngoài ra, nếu người có hành vi quay lén người khác, sau đó sử dụng các thông tin, hình ảnh cá nhân nhạy cảm của nạn nhân để đe dọa tống tiền thì còn có thể bị xử lý hình sự về “Tội cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm năm 2017), với mức hình phạt cao nhất lên đến 20năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, luật sư Huy cho rằng, khoản 3 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.
Theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: Khi bị xâm phạm về danh dự, nhân phẩm, uy tín, công dân có quyền yêu cầu người đã xâm phạm đến mình phải bồi thường thiệt hại. Cụ thể, bao gồm các khoản chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần (do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa là không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định).
Như vậy, khi cá nhân bị người khác quay lén, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì có quyền khởi kiện yêu càu Tòa án buộc người xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Huy, không chỉ Việt Nam mà pháp luật ở các quốc gia khác cũng có những quy định nghiêm ngặt nhằm bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân và đảm bảo an ninh xã hội, ví dụ:
Ở Hàn Quốc: Điều 14 Luật về các trường hợp đặc biệt về xử phạt tội phạm tình dục (Act on special cases concerning the punishment of sexual crimes) quy định người nào chụp ảnh, quay phim thân thể người khác mà có thể kích thích tình dục hoặc gây xấu hổ trái với ý muốn của người bị quay, chụp bằng máy ảnh hoặc máy móc khác có chức năng tương tự thì bị phạt tù không quá 07 năm hoặc phạt tiền không quá 50 triệu won.
Ở Hoa Kỳ: Điều 647 Bộ Luật hình sự California (California Penal Code) quy định việc sử dụng thiết bị ghi hình để quay lén người khác trong tình trạng riêng tư có thể bị phạt tù lên đến 6 tháng và phạt tiền lên đến 1.000 USD cho lần vi phạm đầu tiên, và lên đến 1 năm tù và 2.000 USD cho lần vi phạm tiếp theo.
Như vậy, theo luật sư Huy, nhìn vào quy định của một số quốc gia khác trên thế giới như ví dụ trên có thể thấy pháp luật của họ có quy định rất nghiêm khắc, tạo tính răn đe cao đối với người vi phạm. Trong khi đó, các quy định của pháp luật Việt Nam còn thấp, chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm. Do đó, theo Luật sư, để giải quyết vấn nạn ghi hình lén người khác ở Việt Nam như hiện nay, pháp luật Việt Nam cần quy định tăng cao mức phạt để đủ sức răn đe và phản ánh đúng mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường giáo dục và tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền riêng tư và hậu quả của hành vi quay lén người khác. Đồng thời, mỗi cá nhân, đặc biệt là nữ giới khi đến những nơi công cộng, xa lạ, cần hết sức thận trọng vì các camera quay lén có thể cài cắm ở bất cứ đâu.
Nguồn: Vov.vn