60 năm sự kiện Vịnh Bắc Bộ: Nhiều bài học vẫn tiếp tục phải suy ngẫm

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh- cán bộ nghiên cứu Viện Sử học – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, sự kiện Vịnh Bắc Bộ đã gợi mở cho chúng ta rất nhiều bài học mà cho đến nay chúng ta vẫn tiếp tục phải suy ngẫm.

Cách đây 60 năm, ngày 02/8/1964, tàu khu trục Maddox của Mỹ tiến vào cách bờ biển Thanh Hoá 6 hải lý, dùng pháo hạm bắn phá, khiêu khích Hải quân Việt Nam. Bộ đội Hải quân đã đánh đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta. Ý định tạo cớ chưa đạt được, đêm ngày 4/8/1964, tàu Maddox và Turner Joy của Mỹ chủ động nổ súng, phát tín hiệu bị tấn công, trắng trợn tuyên bố, tàu chiến Mỹ đang hoạt động trên vùng biển quốc tế bị Hải quân Bắc Việt tấn công lần thứ 2.  Dựa vào màn kịch này, ngày 05/8/1964, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn huy động 64 máy bay ồ ạt, bất ngờ ném bom vào Cảng Gianh, Quảng Bình; Vinh – Bến Thủy, Nghệ An; Lạch Trường, Thanh Hóa và Bãi Cháy, Quảng Ninh, chính thức mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn vào miền Bắc Việt Nam.

Mặc dù được trang bị những vũ khí tối tân hiện đại nhưng tàu hải quân và máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ đã vấp phải sức kháng cự, chống trả quyết liệt của Bộ đội Hải quân Việt Nam và quân dân miền Bắc. Thời gian càng lùi xa, nhiều tài liệu liên quan đến sự kiện này được giải mã. Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh- cán bộ nghiên cứu, Viện Sử học – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, sự kiện Vịnh Bắc Bộ đã gợi mở cho chúng ta rất nhiều bài học mà cho đến nay chúng ta vẫn tiếp tục phải suy ngẫm.

60 nam su kien vinh bac bo nhieu bai hoc van tiep tuc phai suy ngam hinh anh 1
Mỹ cáo buộc Việt Nam đã tấn công tàu khu trục Turner Joy và Maddox. Ảnh tư liệu 

PV: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, vì sao mà người Mỹ lại dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ?

TS Nguyễn Thu Hạnh: Theo tôi, có ba nguyên nhân chủ yếu khiến chính quyền Mỹ hành động như vậy.

Thứ nhất, Mỹ quyết tâm dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ để tạo ra một nguyên cớ nhằm dễ dàng mở rộng chiến tranh, cứu nguy cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa vốn đang chìm trong khủng hoảng. Do đó, sự kiện vịnh Bắc Bộ và cuộc chiến phá hoại miền Bắc lần thứ nhất là hành động nằm trong âm mưu thực hiện chiến lược mới “chiến tranh cục bộ”, hòng cứu vãn sự thất bại của Kế hoạch Staley-Taylor ở miền Nam.

Thứ hai, người Mỹ muốn đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam bằng một chiến lược mới và mở cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, nơi mà họ cho là “gốc rễ”, là hậu thuẫn của cách mạng miền Nam, phá tiềm lực kinh tế – quốc phòng, phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam. Đây được xem là nguyên nhân quan trọng nhất thúc đẩy Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ.

Thứ ba, sở dĩ Mỹ phải sử dụng chiến thuật “leo thang” trong đánh phá miền Bắc vì họ vẫn phải thăm dò dư luận trong nước và phản ứng của quốc tế, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc, nhằm thăm dò phản ứng của hai quốc gia này – hai đồng minh quan trọng nhất của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó để có những chiến lược thích hợp tiếp theo trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

PV: Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ thì Thông tấn xã Liên Xô đã tuyên bố rằng: Sự hiện diện không chính đáng của Hải quân Mỹ ở Vịnh Bắc Bộ không khác gì một hành động thù địch công khai. Và khẳng định: Sự kiện ngày 04/8, Không quân Mỹ tấn công chống lại miền Bắc Việt Nam là vi phạm vùng trời miền Bắc Việt Nam. Thế còn dư luận quốc tế, họ nhìn nhận về sự kiện này như thế nào?

60 nam su kien vinh bac bo nhieu bai hoc van tiep tuc phai suy ngam hinh anh 2
TS Nguyễn Thu Hạnh 

TS Nguyễn Thu Hạnh: Trên thực tế, việc chính quyền Mỹ sử dụng sự kiện này để làm lý do leo thang cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam đã vấp phải sự phản đối của dư luận quốc tế, đặc biệt là từ các quốc gia xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Liên Xô và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Nhân dân yêu chuộng hòa bình ở Mỹ và trên thế giới cũng không đồng tình với những hành động của Mỹ ở Vịnh Bắc Bộ trong những ngày đầu tháng 8/1964 cũng như không đồng tình với kế hoạch mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Phong trào phản chiến bùng lên mạnh mẽ hơn sau quyết định mở cuộc bắn phá miền Bắc và đổ bộ quân trực tiếp vào miền Nam Việt Nam. Tôi xin được trích lại lời phát biểu của nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi nổi tiếng Martin Luther King khi ông lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của chính phủ Mỹ ở Việt Nam. Ông nói “Chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đã sai lầm ngay từ đầu với cuộc phiêu lưu của chúng ta ở Việt Nam, rằng chúng ta đã gây tổn hại cho cuộc sống của nhân dân Việt Nam. Để chuộc lại những sai lầm này, chúng ta phải chủ động chấm dứt cuộc chiến tranh bi thảm này…”. Rõ ràng, sự leo thang chiến tranh của chính quyền Mỹ qua sự kiện Vịnh Bắc Bộ đã vấp phải sự phản đối từ dư luận quốc tế, điều này sớm báo hiệu sự phát triển của phong trào phản chiến ở Mỹ và trên thế giới trong giai đoạn sau đó.

PV Trường Giang: Qua nghiên cứu và tìm hiểu về sự kiện này, thì theo TS Nguyễn Thu Hạnh, chúng ta có bị bất ngờ với sự kiện mà người Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ này không?

TS Nguyễn Thu Hạnh: Trên thực tế, việc Mỹ đưa quân ra tấn công miền Bắc sớm được các nhà lãnh đạo của ta dự liệu. Chính vì vậy, chúng ta đã sớm có sự chuẩn bị nhất định. Rõ ràng, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng quân và dân miền Bắc đã không bị bất ngờ trước việc Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ và trước hành động mà Mỹ tiến hành cuộc ném bom đánh phá quy mô lớn vào miền Bắc. Chúng ta đã khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, xây dựng phương án chiến đấu để bảo vệ miền Bắc trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn về kinh tế, tiềm lực quốc phòng còn hạn chế, kiên quyết chiến đấu đi đến thắng lợi cuối cùng. Đây chính là nhân tố quyết định làm nên chiến thắng của dân tộc ta.

PV Trường Giang: So sánh về tương quan lực lượng lúc đó, rõ ràng là chúng ta thua kém xa đối phương rất nhiều lần về phương tiện, lực lượng, vũ khí, công nghệ. Nhưng Bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam đã kiên quyết đáp trả hành động xâm phạm chủ quyền của Mỹ. Bà có suy nghĩ như thế nào về tinh thần và ý chí chiến đấu của quân và dân ta qua sự kiện này?

TS Nguyễn Thu Hạnh: Như tôi đã chia sẻ ở trên, trong trận hải chiến ngày 2/8/1964 và trong cuộc chiến chống lại chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, lực lượng của ta và địch rất chênh lệch cả về khí tài, nhân lực. Tuy nhiên, Hải quân Nhân dân Việt Nam nói riêng, quân và dân miền Bắc nói chung đã kiên quyết đáp trả hành động xâm phạm chủ quyền của đế quốc Mỹ. Trong trận hải chiến 2/8, Hải quân Việt Nam đã chiến đấu kiên cường với tinh thần “thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Chúng ta đã buộc Hải quân Mỹ phải rút khỏi vùng biển của ta. Thắng lợi này là kết tinh của phẩm chất, trí tuệ và sức mạnh truyền thống của dân tộc Việt Nam, kết hợp với nghệ thuật tác chiến linh hoạt, tài tình của quân đội nhân dân Việt Nam.

60 nam su kien vinh bac bo nhieu bai hoc van tiep tuc phai suy ngam hinh anh 3
Những chiến sĩ Hải quân chiến thắng trong trận đánh đuổi tàu khu trục Maddox ngày 2/8/1964 được tặng Bằng khen của Quân chủng Hải quân. Ảnh: TTXVN

PV: Theo thống kê của các nhà nghiên cứu lịch sử thì đa phần các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đều diễn ra từ hướng biển. Vậy, để có thể bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay, việc đầu tư mua sắm, vũ khí trang bị hiện đại có ý nghĩa như thế nào, khi chúng ta nhìn từ sự kiện Vịnh Bắc Bộ cách đây 60 năm?

TS Nguyễn Thu Hạnh: Đúng như bạn đã nói, đa phần các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trong quá khứ đều diễn ra từ hướng biển. Chính vì thế chúng ta có những trận đánh lừng lẫy trước quân thù, tiêu biểu ba trận chiến trên sông Bạch Đằng. Từ lịch sử của dân tộc, rõ ràng, chúng ta thấy tầm quan trọng đặc biệt của việc bảo vệ chủ quyền Biển đảo của Việt Nam hiện nay. Tôi rất tâm đắc với câu nói “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh”. Chuẩn bị cho chiến tranh để chúng ta không bị động trước bất cứ hành động xâm phạm chủ quyền nào từ bên ngoài, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của đất nước.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm tới việc tăng cường tiềm lực quốc phòng, đặc biệt là tăng cường khả năng phòng thủ của Quân đội Nhân dân Việt Nam trên biển, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vẫn đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường. Trong những năm qua, Việt Nam đã nhập thêm nhiều vũ khí, phương tiện hiện đại từ bên ngoài nhằm trang bị thêm cho các lực lượng trên biển, nâng cao khả năng chiến đấu của các lực lượng này… Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tăng cường năng lực tự sản xuất vũ khí, các trang thiết bị quốc phòng, hướng tới làm chủ được thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi, tăng tỷ lệ nội địa hóa để chúng ta thật sự tự chủ trong công cuộc bảo vệ đất nước.

PV: Tập trung đầu tư mua sắm vũ khí, trang bị không có nghĩa là chúng ta không quan tâm đến việc xây dựng ý chí, tinh thần quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cho bộ đội…

TS Nguyễn Thu Hạnh: Đúng rồi, chúng ta cần tránh quan điểm tuyệt đối hóa vai trò của vũ khí công nghệ cao trong chiến tranh mà lại coi nhẹ vai trò của con người. Việt Nam cần tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc mang tính chất hòa bình, tự vệ, được xây dựng toàn diện cả về tiềm lực và lực lượng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước và sự làm chủ của nhân dân.

PV: Từ sự kiện Vịnh Bắc Bộ cách đây 60 năm, chúng ta cần đúc kết ra bài học gì để có thể chủ động ứng phó với các tình huống liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc?

TS Nguyễn Thu Hạnh: Sự kiện Vịnh Bắc Bộ đã gợi mở cho chúng ta rất nhiều bài học mà cho đến nay chúng ta vẫn tiếp tục phải suy ngẫm. Tôi chỉ xin gợi ý 2 bài học mà tôi đúc kết được qua sự kiện này.

Bài học đầu tiên là phải luôn phải chủ động, đề cao cảnh giác trước những mối đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc gia. Bởi kẻ địch thường tấn công vào những thời điểm ta không ngờ nhất. Như tôi đã chia sẻ ở trên, “Muốn có hòa bình, chúng ta phải chuẩn bị cho chiến tranh”. Việt Nam cần phải tiếp tục tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc. Coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường hiệu quả của hoạt động tình báo, khả năng dự báo tình hình để chúng ta không rơi vào bị động trước bất cứ tình huống nào.

Bài học thứ hai là luôn ưu tiên cho các biện pháp ngoại giao, đàm phán hòa bình để ngăn chặn xung đột, chiến tranh. Trên thực tế, Việt Nam đã phát triển tư duy từ quân sự sang quốc phòng, từ chiến tranh sang giữ nước mà không cần chiến tranh, nói cách khác là “đánh thắng chiến tranh ngay khi nó chưa xảy ra”. Trên thực tế, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ các kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Chúng ta cần phải thực hiện nghiêm túc những kế sách này nhằm bảo vệ vững chắc nền hòa bình, độc lập của đất nước.

PV Trường Giang: Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng quốc tế thế nào để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa…?

TS Nguyễn Thu Hạnh: Đó là một câu hỏi rất hay. Theo tôi, việc tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân tiến bộ ở Mỹ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã tạo ra một phong trào phản chiến rộng khắp, ủng hộ và đoàn kết với nhân dân Việt Nam, góp phần tạo ra áp lực khổng lồ lên chính quyền Mỹ cũng như quyết định rút lui khỏi Việt Nam của chính quyền Mỹ sau đó.

60 nam su kien vinh bac bo nhieu bai hoc van tiep tuc phai suy ngam hinh anh 4
Bộ đội Hải quân Việt Nam đánh trả máy bay Mỹ (Ảnh tư liệu).

PV: Như thế cũng có nghĩa là trong hòa bình hiện nay, việc mở rộng hợp tác và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế lại càng quan trọng và cấp thiết….

TS Nguyễn Thu Hạnh: Vâng, Đại hội XIII của Đảng ta khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”. Tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế sẽ giúp chúng ta có thêm thế và lực để đối đầu với những nguy cơ đe dọa đến an ninh, chủ quyền quốc gia trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường.

PV : Muốn tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế thì trước hết chúng ta phải có thực lực, như Bác Hồ có nói là thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiêng, chiêng có to, tiếng mới lớn…

TS Nguyễn Thu Hạnh: Đúng thế, cũng cần lưu ý rằng, việc củng cố và xây dựng sức mạnh nội lực vẫn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh chúng ta không thể trông chờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài để giải quyết khủng hoảng hay vượt qua các cuộc chiến tranh. Sức mạnh nội tại mới chính là nguồn lực chủ yếu dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục tập trung mọi điều kiện để phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực quốc phòng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, theo quy định của luật pháp quốc tế.

PV: Vâng, xin cảm ơn Tiến sĩ!                                                                             

Nguồn: Vov.vn