“Người lái xe gần như không có tầm nhìn. Tháp pháo của xe tăng đã được cố định tại chỗ. Không có đạn dược và súng chính thậm chí còn không bắn được”, Trung tá Ukraine Serhiy Misyura liệt kê những hạn chế của xe tăng mai rùa Nga.
Với mong muốn rà phá bom mìn ở những vùng đất không có người sinh sống giữa các vị trí của Nga và Ukraine cũng như bảo vệ những người thực hiện nhiệm vụ này khỏi các UAV tự sát của Ukraine, quân đội Nga đã cho ra mắt một loại phương tiện mới vào mùa xuân này.
Đó là một chiếc xe tăng bọc thép với các con lăn rà mìn và lớp giáp được điều chỉnh để bảo vệ đội tăng khỏi các máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV).
Ukraine đã đặt tên cho những phương tiện tấn công tự chế này của Nga là “xe tăng mai rùa”. Có khả năng một số xe tăng này đã xuất hiện dọc chiến tuyến trải dài cả nghìn km trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Hai tháng sau khi xe tăng mai rùa xuất hiện, Nga vẫn đang sản xuất các phương tiện này tại các xưởng trên tiền tuyến và ít nhất một trung đoàn đang kêu gọi sự quyên góp từ người dân Nga để hoàn thành công việc.
Nói về xe tăng mai rùa, một binh lính thuộc Trung đoàn xe tăng 218 cho biết: “Chúng tôi tạo ra những xe tăng có thể đi trước để dò mìn và tấn công kẻ địch”.
Trung đoàn này của Nga đang tiến hành cuộc tấn công dữ dội ở miền Nam Ukraine nhằm chiếm được 2 thị trấn Staromaiorske và Urozhaine.
Chiến dịch kéo dài nhiều tháng mang lại kết quả nhất định, song cũng khiến trung đoàn này và các đơn vị lân cận thiệt hại hàng chục phương tiện, trong đó có ít nhất 1 xe tăng mai rùa T-72, được cho là bị FPV tấn công liên tục.
Đó không phải tổn thất duy nhất. Ukraine đã nhanh chóng thích nghi với xe tăng mai rùa. Được trang bị đạn dược của Mỹ, họ đã tấn công các phương tiện tự chế này bằng pháo, tên lửa và lựu đạn thả từ trên không, hoặc thậm chí bằng chính mìn và các máy bay không người lái FPV mà xe tăng mai rùa được thiết kế để đánh bại.
Trong một lần kiểm tra kỹ lưỡng chiếc xe tăng mai rùa T-62 mà Lữ đoàn cơ giới 22 của quân đội Ukraine đã thu giữ vào đầu tháng 6, Trung tá Serhiy Misyura đã liệt kê những hạn chế của phương tiện này.
“Người lái xe gần như không có tầm nhìn. Tháp pháo của xe tăng đã được cố định tại chỗ. Không có đạn dược và súng chính thậm chí còn không bắn được”, Trung tá Misyura nói.
Theo ông Misyura, thiết bị mới duy nhất trên chiếc T-62 bọc thép đã 60 tuổi này là một chiếc radio hiện đại và một bộ thiết bị gây nhiễu sóng vô tuyến chống máy bay không người lái.
Một người lính xe tăng Ukraine đã kể lại tiếng va chạm và khói bốc lên từ xe tăng T-62 của Nga: “Phần cứng cần nghỉ ngơi chứ không phải bị đưa vào hoạt động”. Tuy nhiên, theo Forbes, với việc ngày càng có nhiều UAV bay lượn trên không và vô số quả mìn chưa được rà phá, Nga vẫn đang sử dụng các phương tiện này như giải pháp tình thế.
Nguồn: Vov.vn