Tiêm kích F-16 có giúp Ukraine đảo ngược tình thế trước đòn tấn công của Nga?

Những quy định mới từ các nước phương Tây về cách thức Ukraine có thể sử dụng vũ khí mà họ cung cấp có khả năng tác động mạnh mẽ đến việc triển khai chiến đấu cơ F-16 sắp được bàn giao cho Kiev vào mùa hè năm nay.

Vũ khí giúp thay đổi cuộc chơi?

George Barros, chuyên gia quân sự Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ cho rằng, sau khi Ukraine được phép sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của Nga mà Moscow tiến hành các cuộc tấn công từ đó, F-16 sẽ có cơ hội hoạt động hiệu quả hơn trong cuộc chiến.

tiem kich f-16 co giup ukraine dao nguoc tinh the truoc don tan cong cua nga hinh anh 1
Tiêm kích F-16. Nguồn: Getty

“Tôi thấy tia hy vọng đã nhen nhóm cho Ukraine về việc gia tăng sức mạnh không quân. Trước đó, các nước đồng minh và đối tác đã không thực sự quan tâm tới vấn đề này suốt 2 năm qua”, ông Barros lưu ý.

Chuyên gia này nhấn mạnh, số lượng F-16 mà Ukraine có được trong mùa Hè có thể không đủ để tạo ra sự thay đổi lớn. Nhưng theo thời gian, tình thế sẽ biến chuyển. Đặc biệt, việc Mỹ dỡ bỏ các hạn chế sẽ tạo ra nhiều khác biệt.

Còn Peter Layton, một thành viên tại Viện Griffith Châu Á và là cựu sĩ quan Không quân Hoàng gia Australia, chỉ ra rằng, để F-16 phát huy hiệu quả tối đa, Ukraine cần phải tìm cách phá hủy hệ thống phòng không của Nga. Việc tấn công các hệ thống phòng không sẽ là sự trợ giúp lớn cho loại máy bay chiến đấu này.

Tổng thống Ukraine hiện đang kêu gọi các nước bảo trợ nới lỏng hơn nữa hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công mục tiêu quân sự ở Nga. Ông lưu ý, Ukraine vẫn không thể ngăn chặn các cuộc tấn công bằng bom lượn nguy hiểm của Nga. Hồi đầu năm nay, Kiev đã phải vật lộn với tình trạng thiếu thiết bị và đạn dược nghiêm trọng. Việc Mỹ nối lại viện trợ vào tháng 4 đã giúp Ukraine phần nào khắc phục được vấn đề.

Nhà phân tích Layton cho rằng, ở cấp độ chiến thuật, việc phương Tây chuyển giao chiến đấu cơ F-16 cùng với kho vũ khí bổ sung sẽ tạo ra động lực lớn cho Ukraine. Tuy vậy, tình hình sẽ được cải thiện nhanh hơn nếu F-16 được bàn giao sớm, từ đó Ukraine có thể nâng cấp hệ thống phòng thủ của nước này. Justin Bronk, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện nghiên cứu dịch vụ thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định, “F-16 sẽ cung cấp một số khả năng phòng không, giúp đánh chặn máy bay không người lái Shaheds và tên lửa hành trình. Nhưng hoạt động này sẽ tiêu tốn rất nhiều đạn dược”.

Trái ngược với quan điểm trên, một số nhà phân tích cho rằng, chỉ riêng máy bay chiến đấu F-16 sẽ không tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc xung đột.

Serhii Kuzan, Chủ tịch Trung tâm Hợp tác và An ninh Ukraine – một tổ chức nghiên cứu phi chính phủ lưu ý, Ukraine sẽ cần ít nhất 60 máy bay cho các hoạt động quan trọng khi cố gắng đẩy lực lượng không quân Nga ra khỏi biên giới của Ukraine. Trong khi đó, nhà lập pháp Ukraine Oleksandra Ustinova, lưu ý, Kiev sẽ cần gần 120 chiếc F-16 để tăng cường đáng kể khả năng không quân của mình. Vẫn chưa rõ liệu phương Tây có thể cung cấp cho Kiev những chiến đấu cơ F-16 với số lượng lớn như vậy hay không.

Theo ông Kuzan, thời gian gần đây, quân đội Ukraine đã nỗ lực giảm thiểu mối đe dọa đối với những chiếc F-16 bằng cách tấn công hệ thống phòng không của Nga. “Việc định hình chiến trường vẫn đang diễn ra, đặc biệt ở phía Nam. Ukraine có khả năng tấn công một cách có hệ thống các tổ hợp phòng không quan trọng nhất của Nga.

Thách thức về phi công và bảo trì

Nhà phân tích Bronk nhấn mạnh: “Bạn có thể có rất nhiều máy bay chiến đấu, nhưng nếu chúng không có vũ khí hiệu quả và phi hành đoàn không có chiến thuật hiệu quả để sử dụng chúng thì chắc chắn những máy bay đó sẽ bị bắn hạ”.

Quá trình đào tạo phi công Ukraine trên máy bay F-16 đã chi phối các cuộc thảo luận về việc bàn giao chiến đấu cơ này.

Theo nhà lập pháp Oleksandra Ustinova, đến cuối năm 2024, Ukraine dự kiến có ít nhất 20 phi công sẵn sàng lái máy bay F-16. “Thật khó để yêu cầu phương Tây cung cấp thêm máy bay nếu không có phi công phù hợp để lái chúng”.

Một số quan chức Mỹ cho rằng, việc bảo trì máy bay sẽ là thách thức lớn, cấp bách hơn cả việc đào tạo phi công. Hầu hết quá trình sửa chữa và bảo trì sẽ phải diễn ra bên trong Ukraine và cần có sự trợ giúp từ các nhà thầu nước ngoài.

Thời gian gần đây, Nga đã tăng cường tấn công tất cả các sân bay và căn cứ tiềm năng cho F-16, trong đó có cả nỗ lực nhằm phá hủy các đường băng và cơ sở hạ tầng. Những cuộc tấn công này vẫn chưa dừng lại trong 2 tháng qua. Điều đó buộc Ukraine phải lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa để bảo vệ chúng, dù nước này đang thiếu cả hệ thống phòng không lẫn đạn dược.

“Chúng tôi phải chấp nhận thực tế rằng cần bảo vệ các sân bay một cách tối ưu vì chúng có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Mỗi căn cứ sẽ cần ít nhất hai khẩu đội Patriot và hai khẩu đội NASAMS”, ông Kuzan nhấn mạnh.

Nguồn: Vov.vn