“Tuổi trẻ Lữ đoàn 162 vững bước hội nhập” là chủ đề Hội thi Olympic ngoại ngữ được Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân tổ chức chiều nay (16/5), tại Căn cứ Quân sự Cam Ranh, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà.
Hội thi được tổ chức với hai nội dung tiếng Anh và tiếng Nga. Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, là sân chơi bổ ích, vui tươi lành mạnh, là cơ hội để cán bộ, chiến sĩ toàn Lữ đoàn thể hiện trình độ ngoại ngữ, giao lưu học hỏi lẫn nhau. Qua đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặc biệt là tự tin thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình trên biển.
Hội thi Olympic ngoại ngữ có 7 đội tham gia, mỗi đội gồm 4 thí sinh đến từ các Hải đội và các tàu chiến đấu của Lữ đoàn162. Mỗi đội thực hiện 2 phần thi trắc nghiệm, gồm 10 câu hỏi (5 câu tiếng Anh, 5 câu tiếng Nga), phần thứ 3 trả lời câu hỏi. Sau 3 phần thi, 3 đội có số điểm cao nhất bước vào thi phần 4 – phần thi hùng biện bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nga để Ban tổ chức chọn ra đội nhất, nhì, ba.
Nội dung các chủ đề xoay quanh nhiệm vụ của đơn vị; sứ mệnh, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân trong tình hình mới; lợi ích của việc học ngoại ngữ hiện nay…
Tham gia cuộc thi với phần thuyết trình tiếng Anh, Trung uý Ngô Minh Tiến, Trưởng ngành Hàng hải, tàu 015-Trần Hưng Đạo chia sẻ: “Tôi chuẩn bị các nội dung liên quan đến các trang bị của tàu, của ngành, nghiên cứu nội dung để viết bài hùng biện trôi chảy. Với tiếng Anh chuyên ngành hàng hải là phạm trù đặc biệt. Trong quá trình đi biển sử dụng tiếng Anh để xử lý các tình huống. Còn trong đối ngoại quốc phòng thì ngôn ngữ tiếng Anh là chủ yếu để phối hợp hiệp đồng với các nước”.
Với đặc thù của tàu hộ vệ tên lửa lớp Gerpard 3.9, các khí tài hoàn toàn bằng tiếng Nga nên để làm chủ được con tàu, trong thời gian huấn luyện chuyển giao, việc học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Nga giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ nắm chắc các kiến thức chuyên ngành và hệ thống vũ khí trang bị do mình đảm nhiệm.
Thượng uý Lại Văn Tiến, trưởng ngành vũ khí dưới nước, Tàu 016 – Quang Trung cho biết: Ngoài những kiến thức cơ bản được học ở nhà trường thì việc học tập ngoại ngữ phần lớn do mỗi cá nhân tự học tập, nghiên cứu. Hội thi Olympic ngoại ngữ là điều kiện để mỗi CBCS được giao lưu học hỏi lẫn nhau, từ đó có thêm kỹ năng xử lý các tình huống, đặc biệt là các tình huống khi thực hiện nhiệm vụ trên biển.
“Đến Hội thi với tịnh thần được giao lưu học hỏi, tôi cố gắng trau đồi vốn kiến thức tiếng Nga, tích cực học tập, phát huy Cuộc vận động làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, học tập tinh thần của Bác đó là tinh thần tự học ngoại ngữ. Đó là cánh cửa giúp chúng ta vươn ra thế giới” – Thượng uý Lại Văn Tiến nói.
Theo Thượng tá Mai Văn Doanh, Chính uỷ Lữ đoàn 162: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ và chiến sỹ được Đảng uỷ, Chỉ huy Lữ đoàn 162 quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ đã được đào tạo có thể biên dịch và biên soạn tài liệu, từ điển chuyên ngành và giảng dạy cho đơn vị. Điều này đã tạo ra một phong trào sôi nổi trong việc học ngoại ngữ ở các tàu. Việc tổ chức Hội thi ngoại ngữ kết hợp chuyên ngành để nâng cao khả năng làm chủ trang bị mới.
Lữ đoàn đánh giá thực chất kết quả học tập ngoại ngữ thời gian qua để xác định giải pháp hiệu quả tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của mô hình “Câu lạc bộ con tàu ngoại ngữ 162” được Lữ đoàn duy trì trong nhiều năm qua với hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Nga, góp phần xây dựng Lữ đoàn Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và hội nhập quốc tế.
“Hội thi là dịp để đánh giá chất lượng bồi dưỡng ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, làm cơ sở để nâng cao chất lượng công tác này trong những năm tiếp theo. Đây cũng là sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần khơi dậy niềm đam mê học tập ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ từ đó hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ của Lữ đoàn, trong đó có nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng” – Thượng tá Mai Văn Doanh nói.
Đại diện bạn giám khảo, Trung tá Ngô Thanh Thủy, Chủ nhiệm bộ môn tiếng Nga, Học viện Hải quân đánh giá: Với sự chuẩn bị kỹ cả về nội dung và hình thức, các đội đã hoàn thành tốt phần thi. Các thí sinh trả lời nhanh, nhiều bài hùng biện được đầu tư công phu, phản biện tốt, có sức thuyết phục cao. Qua Hội thi cho thấy CBCS Lữ đoàn 162 có vốn ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nga rất tốt, điều này giúp các chiến sĩ tự tin thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, hội nhập quốc tế. Kết thúc Hội thi, Ban giám khảo đã trao 1 giải nhất, 1 giải Nhì, 1giải Ba và 4 giải khuyến khích.
“Cuộc thi này rất là ý nghĩa và đây cũng là một sân chơi rất thiết thực đối với tất cả các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của Lữ đoàn. Các đội rất ngang sức, ngang tài, nhiệt tình để tham gia phần thi. Trình độ ngoại ngữ, kể cả tiếng Anh và tiếng Nga của các đồng chí ở các đơn vị về tham dự Hội thi rất là xuất sắc, nắm bắt kiến thức ngoại ngữ tốt, đặc biệt là tiếng Anh, tiếng Nga chuyên Ngành để làm chủ được con tàu hiện đại” – Trung tá Ngô Thanh Thủy đánh giá.
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc từng tấc đảo, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới và hội nhập quốc tế, không chỉ huấn luyện giỏi để sẵn sàng cho mọi tình huống, không để Tổ quốc bị bất ngờ từ hướng biển, Lữ đoàn 162 còn thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng trên hướng biển, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Những chiến hạm – “Sứ giả của hòa bình” của Lữ đoàn 162 qua các chuyến tuần tra, diễn tập, và giao lưu quốc tế đã thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với quân đội và hải quân các nước.
Điều này đã củng cố niềm tin vào khả năng làm chủ trang bị kỹ thuật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong tình hình mới; nâng cao vị thế của Hải quân nhân dân Việt Nam cũng như của Việt Nam trên trường quốc tế. Có được thành quả đó là sự tự tin của các CBCS làm chủ các chiến hạm hiện đại, giỏi ngoại ngữ, khẳng định trình độ, năng lực trong các hoạt động đa phương cùng hải quân các nước đã để lại ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Nguồn: Vov.vn