Về áp giải người bị dẫn độ, Dự thảo Luật Dẫn độ nêu rõ: Cơ quan Công an thi hành quyết định dẫn độ tổ chức việc áp giải người bị dẫn độ theo thời gian, địa điểm bàn giao theo thỏa thuận giữa Việt Nam và nước yêu cầu dẫn độ.
Bộ Công an vừa công bố Dự thảo hồ sơ xây dựng Luật Dẫn độ. Dự luật này được tách một phần từ Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, hiện đang trong thời gian nghiên cứu lấy ý kiến, đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Thời gian bắt đầu lấy ý kiến từ ngày 25/7/2024, ngày hết hạn lấy ý kiến là vào ngày 25/9/2024.
Theo Dự thảo Luật Dẫn độ, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người bị buộc tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình, để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.
Người bị yêu cầu dẫn độ là người bị buộc tội mà Bộ luật Hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu tuyên án phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.
Theo Dự thảo Luật Dẫn độ, yêu cầu bắt khẩn cấp để dẫn độ gồm các nội dung: Tên, địa chỉ và thông tin liên lạc của cơ quan đưa ra yêu cầu; Lý do và mục đích của yêu cầu bắt khẩn cấp để dẫn độ;
Thông tin về người bị yêu cầu dẫn độ, bao gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, nghề nghiệp; số hộ chiếu, số căn cước công dân, số chứng minh thư nhân dân; đặc điểm nhận dạng; nơi cư trú trước khi bỏ trốn, địa điểm bỏ trốn và các thông tin cần thiết khác có thể giúp cho việc xác định và truy tìm người bị yêu cầu dẫn độ;
Văn bản cam kết sẽ gửi yêu cầu dẫn độ chính thức; Thông tin về tội danh bị nêu trong yêu cầu dẫn độ và khung hình phạt áp dụng đối với người bị yêu cầu dẫn độ hoặc thời gian còn lại người bị yêu cầu dẫn độ phải thi hành hình phạt;
Tóm tắt nội dung vụ án là căn cứ đưa ra yêu cầu dẫn độ, bao gồm: thông tin về hành vi phạm tội, phương thức, thủ đoạn phạm tội, địa điểm và thời gian phạm tội, các chứng cứ thu thập được, hậu quả của tội phạm và các thông tin cần thiết khác về tội phạm bị yêu cầu dẫn độ;
Lệnh bắt, thông báo đỏ của Interpol (nếu có) hoặc quyết định của toà án về việc tuyên hình phạt;Bản cam kết bồi thường thiệt hại trong trường hợp có oan, sai đối với người đã bị áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp để dẫn độ;
Các nghĩa vụ khác được quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên.
Trình tự, thủ tục bắt khẩn cấp để dẫn độ được thực hiện theo quy định về bắt tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam.
Về áp giải người bị dẫn độ, Dự thảo Luật Dẫn độ nêu rõ: Cơ quan Công an thi hành quyết định dẫn độ tổ chức việc áp giải người bị dẫn độ theo thời gian, địa điểm bàn giao theo thỏa thuận giữa Việt Nam và nước yêu cầu dẫn độ. Thời hạn bàn giao người bị dẫn độ không quá 30 ngày, kể từ ngày quyết định thi hành dẫn độ có hiệu lực. Trường hợp bất khả kháng hoặc có lý do chính đáng, các nước sẽ trao đổi, thống nhất lại thời gian và địa điểm bàn giao người bị dẫn độ.
Trường hợp hết thời hạn do các nước thoả thuận mà nước yêu cầu dẫn độ không tiếp nhận thì Bộ Công an kiến nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền đã ra quyết định dẫn độ hủy quyết định thi hành quyết định dẫn độ, trả tự do cho người bị yêu cầu dẫn độ và thông báo cho nước yêu cầu dẫn độ biết.
Về nguyên tắc đối với việc dẫn độ, theo Dự thảo Luật Dẫn độ, việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong hoạt động dẫn độ thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa thuận giữa các bên có liên quan đối với từng vụ việc cụ thể;
Trường hợp Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về dẫn độ thì thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế;
Bảo đảm các yêu cầu về chính trị, ngoại giao, pháp luật; đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội; Bảo đảm các nguyên tắc tội phạm kép và không xét xử hai lần về cùng một tội phạm.
Nguồn: Vov.vn